Thứ Hai, 6 Tháng Năm, 2024
Trang chủDu Lịch Gia laiKbang-Điểm đến của di sản

Kbang-Điểm đến của di sản

Có một “miền mơ tưởng” đã trở thành nơi chốn hẹn hò của không ít khách du lịch trong vài năm trở lại đây. Người yêu thích khám phá, mạo hiểm thường chọn những thác nước nằm sâu trong những cánh rừng già. Người yêu văn hóa Tây Nguyên có thể tìm đến những ngôi làng Bahnar nép mình dưới chân những ngọn núi cao để thỏa nỗi khát khao được một lần “chạm” vào di sản… Đó chính là “Kbang dưới tán rừng già”-một vùng đất tuyệt đẹp và kỳ lạ ở Đông Trường Sơn.

Điểm đến của di sản

Đầu tháng 8 này, nếu đến Kbang du khách còn có cơ hội được trải nghiệm phong vị văn hóa độc đáo của người bản địa vùng Đông Trường Sơn trong “Ngày hội du lịch” do huyện tổ chức. Tinh hoa văn hóa, ẩm thực, nghề thủ công mỹ nghệ với trình độ chế tác tinh tế, đầy tính nghệ thuật hội đủ và được giới thiệu đến bạn bè và du khách trong sự kiện văn hóa-du lịch này.

Khu vực suối Bà Thơ-địa điểm thú vị để du khách trải nghiệm.                                                                  Ảnh: N.B
Khu vực suối Bà Thơ-địa điểm thú vị để du khách trải nghiệm. Ảnh: N.B

Ngoài hoạt động trình diễn cồng chiêng, đan lát, tạc tượng, dệt thổ cẩm, giã gạo, chế tác nhạc cụ, bắn nỏ, đi cà kheo… tái hiện sinh động những sinh hoạt văn hóa người dân để du khách khám phá và trải nghiệm, còn có hai lễ hội rất đáng xem và tìm hiểu tại sự kiện này đó là phục dựng lễ hội “Mừng lúa mới” và “Lễ hiến tế” (đâm trâu). Là vùng đất hội tụ nhiều dân tộc anh em sinh sống, sắc màu văn hóa bản địa Bahnar, Jrai và các dân tộc miền núi phía Bắc sẽ được giới thiệu đến du khách dịp này với một loạt hoạt động làm điểm nhấn như hát dân ca, múa sạp, múa khèn…

Không chỉ hấp dẫn du khách bằng những câu chuyện văn hóa-lịch sử, ngày hội du lịch còn có những gian hàng ẩm thực, đồ gỗ thủ công mỹ nghệ, đặc sản từ rừng và các sản phẩm nông nghiệp sạch của địa phương nhằm giới thiệu, quảng bá mạnh mẽ một vùng đất. Ngoài ẩm thực đặc trưng của người bản địa vùng Đông Trường Sơn như: cơm lam, gà nướng, lá mì, cà đắng, ốc đá… du khách còn có thể mua đặc sản từ rừng đã được xây dựng thành những sản phẩm thương hiệu cho địa phương như: nấm lim xanh, nấm linh chi, nấm ngọc cẩu, măng khô, mật ong rừng, cao mật nhân, sâm đá, lan rừng… làm quà tặng.

Sản phẩm nông nghiệp sạch của vùng đất Kbang từ lâu đã chiều lòng người tiêu dùng khắp nơi cũng sẽ được giới thiệu nhân sự kiện này. Đó là thịt heo đen, cá tầm, gà đồi, các loại hạt (mắc ca, sa nhân), trái cây phong phú với cam, ổi, bơ, vải. Đặc biệt, Kbang còn được biết đến với giống lúa cổ Ba Rân-giống gạo đỏ có từ xa xưa của người Bahnar, mà bất kỳ ai đến đây cũng mong một lần thưởng thức để không chỉ ăn một “món ngon nhớ lâu”, mà còn hiểu thêm về những giá trị ẩm thực tinh tế và mang tính biểu tượng về văn hóa của cư dân nơi này.

Sự phong phú của ẩm thực Kbang khiến ta “nghĩ khác đi về ẩm thực, du lịch và về chính bản thân”-như thông điệp của đầu bếp kiêm nhân vật truyền hình nổi tiếng Anthony Bourdain, người từng cùng Tổng thống Mỹ Barack Obama ăn bún chả Hà Nội trong chuyến thăm Việt Nam năm 2016. Ông vừa ra đi khiến thế giới tiếc thương, nhưng thông điệp về du lịch, ẩm thực của ông còn mãi, để khi khám phá một vùng đất, ẩm thực của một điểm đến còn là hành trình khám phá chính bản thân mình.

Hút khách về Kbang

Khi du lịch được xác định như đòn bẩy để phát triển kinh tế, các địa phương đã ý thức đầy đủ vai trò của ngành “công nghiệp không khói” trong phát triển kinh tế-xã hội. Ngày hội du lịch Kbang chính là sự kiện nhằm đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu tiềm năng du lịch và các sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn đến người tiêu dùng. Địa phương này cũng rất nhanh nhạy khi khai thác yếu tố văn hóa ẩm thực như một điểm nhấn ấn tượng trong việc thu hút du khách, quảng bá du lịch.

Với “ý đồ” rõ rệt trong kích cầu và xúc tiến du lịch, tăng lượng du khách thông qua các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch do địa phương tổ chức, Ngày hội du lịch Kbang còn có hoạt động trải nghiệm thú vị tại các điểm du lịch như: thác Hang Dơi, suối Bà Thơ, Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kon Chư Răng, thác Kon Lôk. Đây là những điểm du lịch đã được một số công ty lữ hành khảo sát, đánh giá tích cực về khả năng thu hút và phục vụ khách tham quan. Ông Võ Văn Phán-Chủ tịch UBND huyện, cho biết: “Kbang hội tụ nhiều tiềm năng đáp ứng đa dạng các loại hình du lịch, nhất là du lịch sinh thái, văn hóa. Nhưng phát triển du lịch ở vùng đất Đông Trường Sơn mới thực sự khởi động vài năm trở lại đây, đặc biệt từ 2017 huyện đón rất nhiều đoàn khảo sát của các doanh nghiệp lữ hành trong tỉnh và cả nước. Và cũng từ đây, chúng tôi bắt đầu thống kê lượng khách du lịch để so sánh mức độ thu hút của vùng đất này sau khi du lịch được quan tâm nhiều hơn. Nếu trong năm 2017, huyện đón 18 đoàn đến với khoảng 5 ngàn khách lẻ thì từ tháng 1 đến tháng 5-2018, lượng du khách đến Kbang đã bằng với năm 2017. Trong đó, không chỉ khách trong tỉnh mà rất nhiều khách từ các thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội…”.

Theo Chủ tịch UBND huyện Kbang, xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, huyện đã có chủ trương đầu tư cơ sở hạ tầng một số điểm du lịch trọng điểm, kết nối các điểm đến để tạo thành tuyến, điểm có giá trị phục vụ khách du lịch. Đồng thời, chú trọng kêu gọi các nhà đầu tư đầu tư vào lĩnh vực du lịch. Ngoài đường vào thác Hang Dơi được đầu tư 10 tỷ đồng, tạo thuận lợi cho du khách khi đến tham quan trải nghiệm, sắp tới, Làng kháng chiến Stơr sẽ được đầu tư thêm hạ tầng để phục vụ du khách, nhất là về mặt lưu trú, trải nghiệm văn hóa.

Nguyên Bình

Baogialai.com.vn

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới