Thứ Năm, 9 Tháng Năm, 2024
Trang chủCông NghệMảng smartphone Huawei có thể bị huỷ hoại nặng nề nếu thiếu...

Mảng smartphone Huawei có thể bị huỷ hoại nặng nề nếu thiếu Android

Nhiều chuyên gia đánh giá, sẽ không thể có bất kì kịch bản khả quan nào đối với Huawei trong vụ việc lần này.

Tin tức về việc chính phủ Mỹ ra sắc lệnh cấm các công ty Mỹ “làm ăn” với Huawei lan truyền khắp thế giới trong một ngày vừa qua là một trong những khoảnh khắc kịch tính nhất trong lịch sử hơn chục năm phát triển của hệ điều hành Android.

Huawei, nhà sản xuất điện thoại thông minh “ăn nên làm ra” nhất Trung Quốc, đã chứng kiến những tháng đầu năm 2019 với tốc độ tăng trưởng thần kỳ lên tới hai con số, và đang trên đà soán ngôi nhà sản xuất điện thoại số 1 thế giới của Samsung trong thời gian từ nay cho tới hết năm. Tuy nhiên, nếu không có sự hỗ trợ của hệ điều hành Android do Google phát triển, viễn cảnh này chắc chắn sẽ không thể trở thành hiện thực, dù là trong năm 2019, 2020 hay bất cứ thời điểm nào trong tương lai.

Dù vậy, câu hỏi liệu sự kiện này có thể thay đổi hoàn toàn lịch sử của nền tảng Android hay không vẫn chưa thể có câu trả lời chính xác. Tất cả những động thái này hoàn toàn có thể chỉ là bước đi ngắn hạn từ chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump, nhằm chứng minh cho phía Trung Quốc thấy Mỹ sẵn sàng có những bước đi quyết liệt nhất. Hoặc Huawei có thể bị đưa vào danh sách đen của Mỹ vĩnh viễn, dẫn tới nhiều kịch bản đa dạng khác nhau, song điểm chung là chúng sẽ có những tác động tiêu cực đến Huawei với tư cách là một nhà sản xuất smartphone.

Theo những thông báo mới nhất, Google đã cắt thoả thuận cấp phép với Huawei về việc cung cấp các dịch vụ của Google Play Services và quyền truy cập tới cửa hàng ứng dụng Google Play Store trên các thiết bị Android do Huawei sản xuất. Những người dùng hiện tại đang sử dụng các sản phẩm của Huawei sẽ không bị ảnh hưởng bởi quyết định này; tuy nhiên, họ sẽ không nhận được bất kỳ bản cập nhật hệ điều hành Android nào nữa trong tương lai nếu như Google không trở lại hợp tác với Huawei nữa (kể cả Honor, thương hiệu con do Huawei sở hữu toàn bộ, có thể cũng sẽ chịu chung số phận). Đây sẽ là đòn giáng mạnh mẽ vào tham vọng của Huawei trong việc kinh doanh các sản phẩm điện thoại thông minh bên ngoài thị trường Trung Quốc.

Huawei vẫn còn lựa chọn sử dụng phiên bản mã nguồn mở của hệ điều hành Android, nhưng thời gian gần đây Google đang dần rút hết tất cả các tính năng hấp dẫn của hệ điều hành Android ra khỏi Dự án Mã nguồn mở Android (Android Open Source Project – AOSP). Trải nghiệm Android đầy đủ và chính hiệu của ngày hôm nay – với các dịch vụ như bản đồ Google Maps, trang chia sẻ video YouTube, và quan trọng nhất, là toàn bộ hệ sinh thái các ứng dụng Android của bên thứ ba – phụ thuộc hoàn toàn vào quyết định cấp phép của phía Google. Nếu không có phần mềm của Google, Huawei sẽ giống như đang bán những con chim cảnh không có lông cho người dùng, những người vốn đã quen thuộc với kho ứng dụng Google Play Store. Đối với thị trường châu Âu, ngay cả khi có những sản phẩm phần cứng chất lượng tốt nhất, nhưng các hãng sản xuất smartphone cũng sẽ chẳng thể thuyết phục được người dùng nếu thiếu đi một hệ sinh thái ứng dụng hoàn chỉnh. Google đang sở hữu quyền lực thị trường khổng lồ thông qua việc sở hữu cửa hàng ứng dụng Play Store, lớn đến mức Uỷ ban Châu Âu phải tiến hành điều tra chống độc quyền đối với gã khổng lồ tìm kiếm Mỹ.

Tại thị trường quê nhà Trung Quốc, từ trước đến nay Huawei vẫn hoạt động mà không có cửa hàng ứng dụng Play Store, do Google không được phép tham gia vào thị trường này. Tuy nhiên ngay cả ở Trung Quốc, Huawei cũng vẫn sẽ chịu nhiều thiệt hại nếu không duy trì được quan hệ hợp tác chặt chẽ với Google. Trong bối cảnh tất cả các đối thủ cạnh tranh khác ở Trung Quốc đều có quyền truy cập sớm vào các phiên bản Android mới nhất, trong khi Huawei phải chờ tới khi Google cập nhật đoạn mã mới lên dự án nguồn mở AOSP mới có thể cập nhật hệ điều hành của mình, thì đó sẽ là một sự thiệt thòi lớn. Người dùng Trung Quốc là đối tượng ít nhạy cảm với các bản cập nhật và nâng cấp hệ điều hành nhất, bằng chứng thể hiện ở cách ứng dụng WeChat đã lớn mạnh và trở thành một “hệ điều hành con”, một hệ sinh thái con trên nền Android; nhưng ngay cả trong trường hợp đó, Huawei vẫn sẽ rơi vào thế yếu tại một trong những thị trường điện thoại cạnh tranh khốc liệt nhất thế giới.

Thực sự, không có bất kỳ tín hiệu khả quan nào trong bối cảnh hiện tại của Huawei. Việc cố gắng bán những chiếc điện thoại thông minh mà không có sự hợp tác với Google trong thời điểm hiện tại (thời hiện đại) là một nỗ lực từ tồi tệ đang dần chuyển thành thảm hoạ. Các hệ điều hành như Windows Phone, Palm OS, MeeGo, Symbian, Bada (sau này đổi tên thành Tizen) và BlackBerry OS “chỉ” là một vài trong số những hệ điều hành di động đã chết yểu trong bối cảnh Android ngày càng lớn mạnh và bành trướng. Các hệ điều hành không có hệ sinh thái ứng dụng đi kèm đơn giản là không thể có chỗ đứng trong bối cảnh iOS và Android đang nắm tay nhau độc quyền toàn bộ thị phần hệ điều hành di động hiện đại.

Trong một phản ứng đáp trả được cho là có phần dũng cảm, Huawei đa đưa ra tuyên bố chính thức nhấn mạnh những đóng góp của hãng đối với sự phổ biến của hệ điều hành Android trên toàn cầu, trấn an những người đang sử dụng điện thoại của Huawei và Honor rằng họ sẽ tiếp tục được nhận các bản cập nhật bảo mật, và đưa ra lời hứa “sẽ tiếp tục xây dựng hệ sinh thái phần mềm an toàn và bền vững”. Đáng chú ý, Huawei không hề nhắc đến Android trong những phát ngôn này.

Huawei hoàn toàn hiểu rõ khả năng chính phủ Mỹ sẽ có những biện pháp cứng rắn từ nhiều năm nay, và Giám đốc Bộ phận Khách hàng Richard Yu của công ty mới đây đã tiết lộ rằng Huawei đang xây dựng các hệ điều hành thay thế cho Android và Windows. Với hệ điều hành di động, phần mềm mới của Huawei có thể được xây dựng dựa trên nền dự án nguồn mở Android AOSP hoặc cũng có thể là một hệ điều hành hoàn toàn mới, được xây dựng lại từ đầu. Tuy nhiên, trong cả hai trường hợp, Huawei sẽ gặp muôn vàn khó khăn trong việc thuyết phục các nhà phát triển xây dựng ứng dụng cho nền tảng riêng của họ. Ngay cả Amazon, với tầm ảnh hưởng và tiềm lực lớn như vậy, cũng không thể “lôi kéo” các nhà phát triển xây dựng phần mềm cho cửa hàng ứng dụng Amazon Appstore trên nền Android, thì Huawei sẽ còn có ít cơ hội thành công hơn. Các nhà phát triển sẽ chẳng dại gì lao vào một nền tảng được sinh ra trên nền của nghịch cảnh và sự xô đẩy do vòng xoáy mâu thuẫn chính trị gây ra.

Đối với điện thoại màn hình gập Huawei Mate X, công ty có thể sẽ hoãn việc ra mắt mẫu máy này cho tới khi họ khôi phục lại hoàn toàn quyền sử dụng hệ điều hành Android đầy đủ. Tất nhiên là chỉ trong trường hợp điều đó có thể trở thành sự thật.

Kịch bản “tươi sáng” nhất đối với Huawei trong bối cảnh hiện tại, vốn được xem là hoàn toàn có thể xảy ra nếu không vì sự bất ổn định trong giới lãnh đạo hai nước, đó là Mỹ và Trung Quốc sẽ đạt được một thoả thuận thương mại mới có thể làm “tan băng” mối quan hệ giữa hai nước, và Mỹ sẽ hoãn thi hành các lệnh trừng phạt nhằm vào công ty công nghệ lớn nhất Trung Quốc. Để có thể kinh doanh điện thoại thông minh một cách ổn định, Huawei cần có sự hỗ trợ của hệ điều hành Android từ phía Google. Thực tế, Google cũng được hưởng lợi rất nhiều từ sự sáng tạo và đổi mới liên tục của phía Huawei, và cũng đừng quên rằng điện thoại iPhone của Apple được lắp ráp hoàn toàn tại Trung Quốc. Tất cả các yếu tố này đều đòi hỏi cần có môi trường ổn định và hợp tác giữa Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, ở thời điểm này có vẻ như Tổng thống Mỹ đang chơi một ván bài rất quyết liệt, và kịch bản trên sẽ khó lòng xảy ra trong ngày một, ngày hai.

Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc không thể cải thiện theo chiều hướng tích cực hơn? Các nỗ lực xây dựng một hệ điều hành “cây nhà lá vườn” của Huawei sẽ phải tăng tốc gấp đôi, và, dù cho hệ điều hành ấy có haonf thiện hay không, chúng ta vẫn phải chờ xem khi nào nó sẽ chính thức được cài đặt trên các mẫu flagship tiếp theo của công ty. Việc kinh doanh điện thoại Android theo cách truyền thống sẽ gần như bất khả thi nếu thiếu sự hỗ trợ từ phía Google. Một trong những viễn cảnh không đáng mong đợi đó là khi một lượng lớn người dùng tại châu Âu và châu Á, những người luôn mong chờ (và họ có quyền kỳ vọng) ít nhất là một bản cập nhật hệ điều hành Android lớn trong vòng đời của chiếc smartphone của mình, nhưng không thể có được điều đó. Samsung có lẽ là một trong số ít những bên được hưởng lợi từ cuộc đối đầu này, bởi họ đang mất dần thị phần vào tay Huawei trên thị trường điện thoại thông minh toàn cầu.

Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang có những tranh chấp và mâu thuẫn sâu sắc, với các động thái gay gắt chưa từng có tiền lệ, và Huawei đang bị mắc kẹt trong cuộc chiến đó. Danh tiếng toàn cầu của công ty Trung Quốc chắc chắn sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề sau vụ việc này, ngay cả khi nó có thể sớm được giải quyết, bởi cả người dùng thông thường lẫn các đối tác thương mại đều sẽ tỏ ra thận trọng với việc mua sản phẩm của một công ty mà có thể sẽ không được cập nhật lên phiên bản hệ điều hành mới nhất bất kỳ lúc nào. Ở thời điểm hiện tại, thứ mà Huawei cần nhất lúc này là một thoả thuận, một giải pháp cho cuộc tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ khó có thể dễ dàng chấp nhận thoả hiệp trước những chiến lược mà họ cho là đầy khiêu khích từ phía Mỹ. Và điều đó đồng nghĩa với việc mảng kinh doanh điện thoại của Huawei sẽ tiếp tục gặp rất nhiều khó khăn trong thời gian tới.

Quang Huy

Theo Vnreview.vn

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới