Chủ Nhật, 5 Tháng Năm, 2024
Trang chủThời SựMôi trường “xanh“ trong học đường

Môi trường “xanh“ trong học đường

Cảm xúc hân hoan ùa đến tràn ngập khi chúng tôi vừa đặt chân đến cổng Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú huyện Mang Yang bởi màu xanh phủ bóng học đường. Trong ngôi trường rợp bóng cây xanh này, hẳn các em học sinh đã có những tháng năm học trò nhiều kỷ niệm.

Kể từ khi thầy giáo Lê Hữu Phong-nguyên Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú huyện chuyển công tác sang ngành Văn hóa và đột ngột từ giã cõi tạm, tôi mới quay trở lại ngôi trường này. Nhưng tinh thần của một người thầy tâm huyết với giáo dục, chú trọng việc đưa tinh hoa văn hóa, những giá trị thẩm mỹ của dân tộc, phát triển thể chất cho học trò vào giáo dục song song với kiến thức vẫn được các thế hệ thầy và trò nhà trường kế thừa và không ngừng phát triển.

Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú huyện Mang Yang được rèn luyện thói quen đọc sách. Ảnh: H.N
Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú huyện Mang Yang được rèn luyện thói quen đọc sách. Ảnh: H.N

Xanh hóa học đường

Màu xanh phủ bóng mát lên toàn bộ cảnh quan ở ngôi trường nội trú, từ sân trường, vườn cây đến lớp học, không gian đọc sách… Hiệu trưởng nhà trường, thầy Phan Tân Quang chia sẻ, học sinh không chỉ học tập mà mọi sinh hoạt đều diễn ra ở đây nên trong khuôn viên trường cần nhiều cây xanh để tạo không khí trong lành cho các em hít thở, vui chơi, học tập.

Để duy trì được màu xanh, nhà trường thường xuyên nhắc nhở các em ý thức trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh. “Các giáo viên hướng dẫn cho học sinh cách chăm sóc các loại cây, sau đó các em tự làm. Khi tự tay chăm bẵm, các em sẽ nảy sinh tình cảm với cây cỏ, với thiên nhiên và từ đó có ý thức tự giác mà không cần phải nhắc nhở. Học sinh dân tộc thiểu số rất yêu lao động, yêu thiên nhiên nên việc giáo dục cho các em về ý thức gìn giữ môi trường xanh trong học đường rất thuận lợi. Hơn nữa, tạo ra môi trường xanh để các em thấy môi trường học tập gần gũi với môi trường làng, nơi các em sinh ra, để các em gắn bó với trường lớp như gắn bó với ngôi nhà của mình”-thầy Quang cho biết.

Tuy nhiên, theo thầy Quang, hệ thống cây xanh, đặc biệt là những cây xanh cổ thụ trong trường được duy trì có phần đóng góp rất lớn của phụ huynh học sinh. Khi nhà trường phát động, phụ huynh đã tặng rất nhiều cây to, họ chở cây đến, tự tay trồng với rất nhiều gửi gắm và trân trọng, nhờ đó trong khuôn viên mới có nhiều gốc cổ thụ cho bóng mát rộng khắp. Thầy Quang tự hào: “Trường mới thành lập chưa được 15 năm, nếu trồng cây non thì chừng ấy thời gian chưa thể phủ tán rộng khắp như vậy được. Nhờ các thế hệ thầy và trò trước đó đã rất có ý thức tạo ra môi trường xanh trong học đường và sự góp sức của phụ huynh nên đến nay, hệ thống cây xanh trong trường đã cơ bản hoàn thiện và là ngôi trường “xanh” nhất, nhiều cây nhất trong các ngôi trường ở đây”.

Nhà trường còn đặt các tủ sách dưới bóng mát các gốc cổ thụ để học sinh ngoài giờ học có thể tự tìm hiểu, tự học thông qua sách vở mà không lệ thuộc vào giờ giấc và thủ tục hành chính khác. Thầy Quang cho biết thêm, làm như vậy để tạo thói quen đọc cho học sinh. “Thất thoát sách, báo là điều khó tránh khỏi nhưng chúng tôi cố gắng bổ sung thường xuyên vào tủ sách. Hơn nữa, điều đó chứng tỏ các em yêu sách, có hứng thú với sách vở, đó là điều đáng mừng”-thầy Quang nói.

Chú trọng phát triển toàn diện cho học sinh

Khoe với chúng tôi rằng không chỉ chơi thành thạo nhiều môn thể thao như cầu lông, bóng chuyền, em Sao (dân tộc Bahnar, học sinh lớp 9) còn là thành viên đội bóng đá nữ của lớp. Sao nói: “Học sinh trong trường hầu như đều biết chơi nhiều môn thể thao. Chúng em luyện tập và chơi với nhau hàng ngày chứ không chỉ trong giờ thể dục ở lớp”. Tạo dựng được thói quen này để các em phát triển thể chất lẫn tinh thần là một nỗ lực của Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú huyện trong nhiều năm qua. Vì thế, đây cũng là thế mạnh của trường mỗi khi đi thi và luôn đạt thành tích cao. Tại Hội khỏe Phù Đổng toàn huyện năm 2016, trường vinh dự đạt giải nhất toàn đoàn.

Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú huyện cũng là một trong những ngôi trường đầu tiên của tỉnh đưa cồng chiêng vào lớp học. Đó là câu chuyện của nhiều năm trước và được nhắc đến khá nhiều như một tấm gương điển hình về công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc cho học sinh ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường. Đội cồng chiêng vẫn được duy trì nhiều năm qua, thế hệ này ra trường lại có thế hệ khác tiếp nối. Thầy Quang cho biết, thứ bảy hàng tuần, các em đều có buổi học ngoại khóa về cồng chiêng. Khi thì trường mời các nghệ nhân, khi có những phụ huynh biết về cồng chiêng tự nguyện đến hướng dẫn thêm. “Không chỉ chú trọng dạy học kiến thức, nhà trường luôn nỗ lực giúp học sinh phát triển toàn diện tinh thần, thể chất, tình cảm với văn hóa dân tộc”-thầy Quang chia sẻ.

Khi nói về việc giáo dục toàn diện cho học sinh, Hiệu trưởng nhà trường thông tin thêm: Nhiều năm liền trường luôn duy trì tốt sĩ số học sinh. Từ 150 học sinh, hiện nay, số lượng học sinh toàn trường đã tăng lên gấp đôi và duy trì ổn định sĩ số hàng năm. Trường có tổng diện tích khuôn viên trên 13.800 m2, có đủ phòng học lý thuyết và thực hành, có sân chơi, bãi tập, nhà đa năng, trang-thiết bị đảm bảo cho dạy học và nuôi dưỡng học sinh, đáp ứng các tiêu chí của một trường chuẩn quốc gia.

Thêm một chi tiết nhỏ: Chúng tôi về trường đúng vào giờ ra lớp của học sinh, gặp người lạ các em đều đồng loạt cúi chào. Một hành động nhỏ cho thấy các em được giáo dục nền nếp, kỷ cương để trở thành những học sinh chăm ngoan, trong tương lai sẽ là những công dân tốt.

Hoàng Ngọc

Baogialai.com.vn

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới