Thứ Năm, 2 Tháng Năm, 2024
Trang chủDu Lịch Gia laiMột chuyến "Về nguồn"

Một chuyến “Về nguồn”

Được một lần tháp tùng lãnh đạo trường về các xã căn cứ cách mạng huyện Kbang dịp cuối Chạp là mong đợi, háo hức của cánh thầy giáo trẻ chúng tôi vào những năm giữa thập niên 90 của thế kỷ trước. Ngoài lý do muốn tìm hiểu về con người, miền đất đã đi vào lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, chúng tôi còn muốn “mục sở thị” nơi đã cưu mang thầy Trần Xuân Hải-Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh lúc đó-cùng đồng đội ông suốt những tháng năm gian khó đi làm cách mạng cho đến ngày thành công.

Hành trình “Về nguồn” đầu tiên là xã Kon Pne. Xuất phát từ nhà khách Huyện ủy Kbang từ lúc 7 giờ, ngoài chúng tôi ra còn có anh Nguyễn Thanh Nhàn-chuyên viên Văn phòng Huyện ủy cùng 2 anh lính trẻ người Bahnar thuộc biên chế Huyện đội, có súng choàng vai trông rất oách dẫn đường.

Học sinh Kon Pne trên đường đến trường. Ảnh: Nguyễn Tú
Học sinh Kon Pne trên đường đến trường. Ảnh: Nguyễn Tú

Chiếc U-oát gồng mình chở 7 con người cùng hành lý mang theo nào cá khô, bột canh, mì chính, gạo được chia thành túm, chất đầy phía sau. Đường đất trơn lầy xuyên rừng già, mưa lâm thâm không dứt, không gian ảo mờ, buôn buốt lạnh. Cánh thầy giáo trẻ chúng tôi thuộc loại hễ mở mắt là mở mồm, thao thao không biết mệt, thế mà cũng không “phát sóng” nổi bởi xe chật chội và chao đảo liên hồi. Trên đường đi phải qua một con suối. Anh bộ đội xuống xe, xắn quần chống gậy le đi trước dẫn đường, xe chúng tôi nhích lên từng ít một. Đoạn đến giữa suối, đột nhiên chiếc U-oát nghiêng hẳn một bên. Nín thở im lặng vì tưởng phải… tắm suối bất đắc dĩ, nhưng chiếc xe lấy lại được thăng bằng nhờ tay lái lụa. Mọi người thở phào khi vượt qua chướng ngại vật.

Hơn 10 giờ trưa chúng tôi đến chân núi (mà giờ tôi đã quên tên rồi), trèo qua hòn núi ấy là đến địa phận xã Kon Pne. Thầy Hải bảo anh tài xế ở lại chân núi trông xe rồi tất cả cùng vượt. Đi đầu và bọc hậu là các anh bộ đội địa phương, súng choàng trước ngực, vai gùi gạo. Mỗi người chúng tôi, cả thầy Hải, đều mang theo quà Tết nặng chừng 10 kg. Con đường mòn vừa đủ người đi, chênh vênh dốc đá, trơn nhẫy, thẳng đứng. Mưa đã tạnh, le lói vài tia nắng hiếm hoi xuyên qua kẽ lá. Mươi phút đầu tiên ngược dốc còn sức lực, chúng tôi đưa tai, đảo mắt nghe ngóng và quan sát. Thời gian sau đó, dốc càng dựng đứng khiến đầu gối muốn chạm tai. Mồ hôi túa ra không kịp lau khiến mắt cay xè, hơi thở dốc muốn đứt quãng. Phải mất hơn 40 phút chúng tôi mới vượt qua được đỉnh núi.

Làng Kon Hleng (xã Kon Pne) đón chúng tôi bằng mái nhà rông rộng rinh vách nứa thông thống gió lùa. Sức trẻ nhanh hồi phục, chúng tôi dạo vòng khám phá. Rừng ngập nắng vàng. Tiếng chim bừng thức véo von. Cách đó không xa là ruộng lúa nước từng mảnh nhỏ kẻ ô vuông bàn cờ. Lác đác vài ngôi nhà sàn. Anh Nhàn cùng một anh bộ đội vào làng tìm người thông báo có khách, một lúc sau đã quay trở lại cùng một người đàn ông chừng 30 tuổi, được giới thiệu tên Nhưn, là Trưởng thôn. Anh Nhưn nói tiếng Kinh không sõi, thầy Hải phải giữ vai trò phiên dịch cả bằng… tay. Mà chủ khách chừng như hiểu nhau lắm lắm. Trao quà, ôm nhau bắt tay liên hồi.

Tưởng xuống núi sẽ dễ dàng hơn, nhầm. Chân bám đất mà cứ run bần bật. Đầu chúi cắm muốn lộn nhào. Phải mất cả giờ mới đến được chân núi. “Từ lúc tớ ở đây đến giờ chẳng thấy một bóng người nào”-anh tài xế cho biết. “Ốc đảo” Kon Pne là thế đấy!

Đêm xuống, chúng tôi đã có mặt ở xã Krong, tại nhà Chủ tịch UBND xã Đinh Nhan. Không biết dân làng thông tin với nhau bằng cách nào mà càng lúc càng có đông người đến chơi cùng ghè rượu gùi sau lưng. Tất cả được xếp thành hàng dài giữa ngôi nhà sàn rộng. Bà con nhiệt tình mời chúng tôi cùng vít cần bằng lời nói và cả đưa tay ra hiệu. Bên bếp lửa cuối nhà sàn, nơi nồi cháo gà sôi sùng sục tỏa mùi thơm nức có thằng bé chừng 10 tuổi người sốt nóng bừng nằm co ro. “Nó bị ốm đấy”-anh Đinh Nhan cho biết. Nguy quá! Chúng tôi bế em sang chỗ thoáng mát, cho uống thuốc hạ nhiệt, bón mấy thìa cháo loãng rồi đặt em nằm nghỉ. Một lúc sau đã thấy thằng bé mặt mũi tỉnh queo lồm cồm mò dậy cùng mọi người. “Các thầy giáo chữa bệnh tài thật”-một người nhận xét.

Hôm sau, đoàn lại có dịp ngồi trao đổi với Bí thư Đảng ủy xã Lơ Ku về tình hình của xã. Thuận tay, chúng tôi với lấy cuốn vở học sinh ghi các loại biên bản treo trên tường. Toàn bộ được diễn đạt theo lối… văn nói mà không cần đến cả dấu câu. Có cả nội dung xử ly hôn, chết thật!

Kể lại hành trình cùng thầy Hải “Về nguồn” ngày ấy cũng là để so sánh và nhận ra sự đổi thay của các xã căn cứ huyện Kbang bây giờ.

Nguyễn Đình Phê

Baogialai.com.vn

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới