Thứ Bảy, 18 Tháng Năm, 2024
Trang chủTin Gia LaiMột sớm ở Hà Tây

Một sớm ở Hà Tây

Đó là một ngày cuối năm ở xã Hà Tây (huyện Chư Păh), một trong những xã khó khăn nhất của tỉnh Gia Lai cách đây chừng vài ba chục năm. Còn nhớ khi đó, Hà Đông, Hà Tây, Đak Trôi, Kon Pne, Sró, Đak Song, Ia Lâu, Ia Mơr… là những cái tên mà vừa nghe thôi đã khiến nhiều người ớn lạnh không chỉ vì đường xa đi lại khó khăn mà còn vì đời sống vật chất, tinh thần của người dân ở những vùng này cực kỳ thiếu thốn.

Bấy giờ, Hà Tây vừa tách ra khỏi huyện Mang Yang (cũ) để cùng với một số xã của huyện Chư Păh (cũ) thành lập huyện mới Chư Păh và chính thức đi vào hoạt động từ đầu tháng 1-1997. Huyện mới mang theo những khó khăn cũ, nhất là hệ thống đường giao thông, trường học cùng những nhu cầu thiết thực cho đời sống mà không dễ gì trong một thời gian ngắn đã có thể cải thiện được.

Người dân tham gia làm nhà rông ở xã Hà Tây, huyện Chư Păh. Ảnh: Trần Phong ảnh 1

Người dân tham gia làm nhà rông ở xã Hà Tây, huyện Chư Păh. Ảnh: Trần Phong

Chiều cuối năm 1997, tôi và nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Phong quyết định đi Hà Tây. Có lẽ, trong giới truyền thông tính đến thời điểm ấy, chúng tôi là những người đầu tiên đến đây. Chúng tôi đi chung chiếc xe Cub 90 phân khối xuất phát từ TP. Pleiku, ngược quốc lộ 14 qua khỏi ngã ba Ia Khươl thì rẽ phải và rồi xe cứ quăng quật với ổ gà, sống trâu trên mặt đường. Vừa qua khỏi Đak Tơ Ve rẽ trái đường vào xã gặp một vũng nước khá lớn tràn qua đường. Tôi chủ quan cứ cho xe ào xuống thì bùn ngập hơn nửa bánh, máy xe kêu bụp bụp rồi tắt ngấm. Hì hục đến mướt mồ hôi mới đẩy xe qua được. Cùng dốc ngược bánh trước lên cao cho bùn trong ống pô chảy ra, may quá đạp xe máy nổ trở lại.

Trên đường vào xã còn gặp một số đoạn ngập nước như ở ngã ba Đak Tơ Ve nhưng chúng tôi không dám ào qua mà xuống xe dò từng bước rồi cứ ngoằn ngoèo trên con đường mòn chạy giữa rừng và các khu rẫy cũ, gần chạng vạng mới đến được Trường Tiểu học bán trú Hà Tây. Trường nằm xa làng, biệt lập giữa vạt rừng thưa. Bấy giờ, toàn xã có 9 làng với hơn 3 ngàn khẩu, tất cả đều là đồng bào dân tộc Bahnar.

Sau khi gặp hiệu trưởng nhà trường để báo mục đích chuyến công tác, chúng tôi được mời dùng bữa cơm chiều đạm bạc và thu xếp nghỉ lại ở khu nhà tập thể giáo viên tối hôm đó. Gọi nhà tập thể cho oai chứ thực ra chỉ là 1 gian nhà tạm, bên trong bày bộ bàn ghế của học trò làm nơi soạn giáo án, thiếu giường nên một vài người phải ngủ trên chiếc sạp đan bằng tre nứa, trải chiếu lên trên. Khu nhà ở các em học sinh khá dài, mái lợp tôn. Trường không có điện, thầy trò đều dùng đèn dầu. Các em học sinh tiểu học phải học bán trú vì từ làng gần nhất đến trường cũng phải vài cây số.

Đêm cuối năm, sương giăng một màu trắng xốp, sáng nhờ nhờ. Trời se lạnh. Tôi từng dạy học ở vùng sâu trước khi chuyển ngành làm báo, còn anh Trần Phong quanh năm chuyên xuống làng xa, làng dân tộc ít người để sáng tác nên cũng dễ thích nghi với kiểu sinh hoạt như vậy. Thế nhưng, chẳng hiểu sao đêm ấy, cả hai đều khó ngủ, nằm giữa không gian im ắng của đại ngàn, nghe tiếng chim đớp muỗi xa xa trong vạt rừng thưa, nghe rõ cả tiếng con mọt đang gặm những thân cây gỗ dâu đất làm chân giường.

Trời chưa sáng hẳn, bỗng có âm thanh thình thịch, thình thịch phát ra từ khu nhà ở của học sinh. Tôi và anh Trần Phong khẽ bước ra xem. Giữa màn sương bàng bạc, một cảnh tượng thật xúc động: trên mảnh sân nhỏ, các em gái đang cùng nhau giã gạo. Chừng 4-5 chiếc cối gỗ, mỗi cối 2 em dùng chày giã đôi. Những thân hình khá gầy trong chiếc áo ấm mỏng. Những đôi tay nhỏ, yếu ớt nhưng vẫn vung đều đều một cách thành thục. Thì ra, các em chuẩn bị cho bữa cơm trong ngày, phải dậy sớm giã gạo vì còn lên lớp học.

Hỏi thêm thì tôi được biết, do Hà Tây năm ấy chưa có máy xay xát gạo, các em làng xa về học bán trú nên sáng nào cũng phải dậy sớm giã gạo để nấu cơm. Thời gian sau này, xã được Nhà nước đầu tư nhiều: trụ sở làm việc, trường học, trạm y tế, hệ thống nước sạch, đường vào xã là đường nhựa, điện lưới cùng các thiết chế văn hóa… Người dân các làng vào làm công nhân cho Công ty Cao su Chư Păh. Cuộc sống của người dân Hà Tây đã được cải thiện, nâng lên một bước. Học sinh trong xã đã học lên đến bậc THCS.

Mừng cho một vùng quê xa nhiều khó khăn như Hà Tây. Và tôi không bao giờ quên cái buổi sáng mai hôm ấy, nhịp chày của các em cứ thỉnh thoảng lại vang lên trong ký ức…

THANH PHONG

Nguồn: Báo Gia Lai

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới