Chủ Nhật, 5 Tháng Năm, 2024
Trang chủDu Lịch Gia laiMột thời sư phạm

Một thời sư phạm

Năm 1976, tôi học khóa 1 Trường Trung học Sư phạm Gia Lai-Kon Tum đặt tại Pleiku (vị trí Trường THPT Phan Bội Châu bây giờ). Vì khóa học có đến gần 500 giáo sinh nên địa điểm trường chính được dành cho nữ, bọn con trai chúng tôi sang đường Cù Chính Lan, đoạn gần giáp đường Wừu.

Khóa học rất “hổ lốn”, đủ các độ tuổi, đủ các trình độ học lực, từ lớp 8 đến lớp 12 đều học chung với nhau. Là cũng bởi nhu cầu cấp bách của ngành Giáo dục sau chiến tranh, cần gấp một lượng giáo viên đi vùng sâu, vùng xa phục vụ cho sự nghiệp “mang chữ lên non”. Về chuyện này bà Nguyễn Thị Bình-nguyên Phó Chủ tịch nước, lúc bấy giờ là Bộ trưởng Bộ Giáo dục có viết trong hồi ký Gia đình, bạn bè và đất nước (lược trích):

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

“Sau ngày giải phóng miền Nam, cũng như các ngành khác, ngành Giáo dục phải sớm thực hiện việc quản lý ngành trong cả nước (…) trong 20 năm hệ thống giáo dục ở hai miền lại không giống nhau (…). Đặc biệt chúng tôi quan tâm đến việc xây dựng hệ thống trường sư phạm, đào tạo giáo viên tại chỗ để đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục trong những năm tiếp theo (…). Bắt đầu là xây dựng trường trung học sư phạm đào tạo giáo viên cấp I (…). Tìm cán bộ quản lý và giáo viên cho các trường sư phạm đã khó, nhưng tìm người để đào tạo thành giáo viên phổ thông cũng không dễ; mà yêu cầu phát triển cấp I, cấp II hết sức bức xúc. Vì vậy mới có tình trạng ở một số vùng phải lấy cả học sinh lớp 7, thậm chí lớp 5, đào tạo trong vòng một, hai năm để dạy hai cấp này! Tình hình mà trong ngành gọi là “cơm chấm cơm” là như vậy…”.

Cái khóa học kiểu “cơm chấm cơm” của chúng tôi kéo dài 9 tháng rồi ra trường đi dạy. Chúng tôi lấy làm “tự hào” rằng mình vẫn còn được “đào tạo bài bản” hơn các khóa cấp tốc 3 tháng trước đó.

Đang độ “tuổi ăn tuổi lớn”, thật sự chúng tôi quá khổ sở với sự dày vò của cái dạ dày luôn không đủ lượng và chất đáp ứng đòi hỏi của cơ thể. Đó là thực trạng chung vào cái thời đoạn cả nước đều đói sau khi ra khỏi chiến tranh. Cả nước lâm vào khủng hoảng, tiêu chuẩn ăn ở vô cùng thiếu thốn, giống y như trong hồi ký, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Thị Bình viết ở Hà Nội: “Còn nhớ hồi ấy có câu “ăn sư ở phạm”, và sinh viên nói chung không thích vào sư phạm, “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”! Đến thăm nhà ăn của Đại học Sư phạm Hà Nội tôi rất áy náy. Quả là sinh viên ăn ở rất khổ. Các em ăn đứng, không ghế ngồi, mỗi bàn một xoong cơm ở giữa, một đĩa thức ăn mặn và bát canh “không người lái”; mỗi em một cái bát và một cái thìa, cứ thế mà ăn”!

Ở ngay thủ đô mà là như thế, thì tình cảnh chúng tôi không cần nói cũng rõ!

Cũng may thời điểm học lại là đúng mùa mít chín. Cơm trường không đủ no, chúng tôi hay rủ nhau vòng ra xóm nhà vườn Đức An phía sát khu tập thể để mua mít chín ăn thêm. Tôi còn nhớ cả cái xóm Đức An lúc bấy giờ thơm lừng mùi mít chín và vàng rực dã quỳ quanh các ngõ quê… Nhờ có 500 giáo sinh sư phạm đói ăn nên xóm Đức An năm ấy trúng mùa bán mít!

Cái khổ vật chất chúng tôi khắc phục như vậy; nhưng đến cái khổ tinh thần thì có nhiều người… không chịu nổi. Ấy là việc nhà trường cấm trai gái yêu đương, chỉ cần có chút tình ý là phạm tội “quan hệ bạn bè không trong sáng”. Một trong những người phạm tội ấy là… tôi. Chỉ vì viết một bài thơ tình gửi cô bạn đồng môn nên khi mãn khóa, tôi bị đình chỉ, không được đi dạy.

Ngày ra trường đến. Biết tôi làm thơ, trong những ngày xôn xao mãn khóa đầy xúc cảm, bạn bè bảo tôi có bài thơ tặng các bạn đồng môn. Tôi lấy ngay hình ảnh cô bạn đã khiến tôi không được đi dạy kia làm “đối tượng trữ tình”.

Tuy nhiên, tôi đã rút kinh nghiệm về cái sự “quan hệ bạn bè không trong sáng”, bèn áp dụng ngay “phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa” với tinh thần “lãng mạn cách mạng” vừa được học. Tôi đặt tên cho bài thơ đơn giản là Bài thơ Sư phạm. Xin trích vài khổ để “khoe” cùng bạn đọc:

“Đẹp như mùa xuân giữa buổi vào đời/ Bằng cả tin yêu em vào sư phạm/ Ơi dấu yêu ơi, những ngày những tháng/ Đến hôm nay em đẹp gấp bao lần…/ Bài thơ này tôi viết cho em/ Cũng có thể là thơ tình lãng mạn/ Nhưng, em ơi, đây, những dòng tươi sáng/ Của thuở quen nhau dưới mái hiên trường/ Để dặn dò mai mỗi đứa một phương/ Gửi nhớ gửi thương vào trong lời giảng…/ Cô giáo mới, bảng xanh, phấn trắng/ Đẹp như bài thơ trước mắt học trò”.

Đấy, rất an toàn, tôi phải cẩn thận phân bua rằng “cũng có thể là thơ tình lãng mạn” thôi chứ đây không hẳn là “thơ tình lãng mạn”! Và đây hoàn toàn là “những dòng tươi sáng” chứ không có ý gì “không trong sáng”! Và chỉ là “quen nhau dưới mái hiên trường” thôi chứ không phải “yêu nhau”!…

Tuy nhiên, với riêng tôi, tất cả đã muộn! Nhưng dẫu sao đấy cũng là kỷ niệm một thời tươi đẹp trong đời.

Tạ Văn Sỹ

Baogialai.com.vn

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới