Thứ Tư, 8 Tháng Năm, 2024

Mùa măng le

Măng le gắn bó với người dân Tây Nguyên từ bao đời và đã đi vào thơ ca như một biểu tượng của tình đoàn kết, gắn bó giữa người miền xuôi và miền ngược ở vùng Trung Trung bộ: “Ai về nhắn với nậu nguồn/Măng le gởi xuống, cá chuồn gởi lên”. Thường bắt đầu vào mùa mưa cũng là vào mùa thu hoạch măng le.

Le thuộc họ tre, không gai, mọc thành lùm bụi trên các vùng đất khá cằn cỗi ở Tây Nguyên nhưng cứ sau khi mưa xuống, những mầm măng lại từ đất trồi lên thể hiện sức sống mãnh liệt. Cứ vào mùa này, đồng bào lại vào rừng đào lấy măng mang về làm thực phẩm. Chỉ đi chừng nửa buổi là gùi đã xếp đầy măng. Những búp măng le trăng trắng, no tròn, múp míp, luộc xong thái ra từng miếng mỏng ăn ngọt lừ trở thành đặc sản của rừng Tây Nguyên.

Ảnh internet
Ảnh internet

Tôi còn nhớ những năm 70, 80 của thế kỷ trước, đi trên tỉnh lộ 664 từ Pleiku vào huyện Chư Pah cũ, dọc hai bên đường là những lùm le rậm rạp. Dọc quốc lộ 14 thuộc địa bàn Ia Lu (đi Kon Tum) hoặc lên tận Ia Krai, Ia Chía (biên giới)… đi đến nơi đâu cũng gặp rừng le um tùm. Mùa khô, đồng bào trong vùng thường đốt rẫy, lửa lan sang rừng le cháy nám đen, vậy mà chỉ sau vài trận mưa, hơi đất bốc lên ngai ngái là những bụi le đã xanh trở lại, chồi măng lại xé đất nhú lên. Sau này, khi cán bộ, viên chức lập gia đình được chính quyền địa phương cấp đất làm nhà, thường nhà nào cũng dành lại hàng le phía sau hoặc bên hông vườn vừa làm hàng rào ranh giới vừa có măng le ăn trong mùa mưa.

Cứ tháng 6, tháng 7 là ra vườn đào lấy những chồi măng chừng hơn tấc trồi lên. Măng le ăn ngon hơn bất kỳ loại măng nào, từ măng tre, măng trúc hay măng vầu… bởi măng le đặc ruột, vị ngọt, không đắng, không chát, chỉ cần luộc qua một lần là có thể thưởng thức. Có người cho rằng, có lẽ vị nó ngon ngọt là do đã thấm đẫm bao nhiêu chất khoáng trong đất bazan sau mấy tháng mùa khô!

Bây giờ, người ta không chỉ luộc mà còn chế biến măng le thành nhiều món ăn khác nhau, khá phong phú và hấp dẫn. Nào là gỏi măng le tươi trộn với đậu phộng rang thêm vào các loại rau thơm; trộn hải sản như mực, bạch tuộc; rồi măng le hầm giò heo, nấu thịt vịt hoặc ngan, xào thịt heo rừng với ớt xiêm…; nghĩa là có đến vài chục món ăn cầu kỳ chế biến từ măng le.

Sau mấy chục năm từ món ăn dân dã quen thuộc hàng ngày, bây giờ măng le đã trở thành đặc sản. Để có được vài ba ký măng, có khi người ta phải đi nhiều ngày tìm đào măng le ven các con suối cạn. Măng ít, công sức bỏ ra nhiều hơn nên giá cả cũng đội lên cao, vào mùa mỗi cân măng lên đến hàng chục ngàn đồng. Măng khô thì trên 600 ngàn đồng/kg. Có lẽ bởi thế mà tôi rất hiếm khi gặp cảnh người gùi măng bán dạo dọc đường như xưa. Bất chợt, tôi ước, phải chi có quỹ đất rộng chừng vài ba chục héc-ta, chỉ dùng để trồng thử cây le (le rất dễ trồng); để mỗi mùa mưa, đồng bào lại có thêm niềm vui từ việc thu hoạch măng le.

Thanh Phong

Baogialai.com.vn

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới