Thứ Năm, 2 Tháng Năm, 2024
Trang chủThời SựNay Ar-Chỗ dựa tinh thần của buôn Mlah

Nay Ar-Chỗ dựa tinh thần của buôn Mlah

Quyền năng của các vị già làng trong cộng đồng giờ đã khác trước rất nhiều. Nhưng có một thứ không bao giờ thay đổi mà già làng Nay Ar (buôn Mlah, xã Phú Cần, huyện Krông Pa) là một minh chứng, rằng già làng vẫn giữ vai trò là chỗ dựa tinh thần và là trung tâm đoàn kết của cộng đồng. Muốn làm được như vậy, bản thân ông phải có một “kho báu” về kinh nghiệm ứng xử.

Thay đổi để thoát nghèo

“Vấn đề cốt lõi nhất của làng bây giờ là phải thoát nghèo, phát triển kinh tế. Chính cái nghèo là nguyên nhân gây ra nhiều rắc rối, phá vỡ luật lệ, tôn ti trật tự của làng. Cái nghèo làm cho người ta sinh ra tật xấu, trộm cắp, bất mãn…”- già Nay Ar bắt đầu câu chuyện bằng vấn đề mà ông đặc biệt quan tâm từ khi kế nhiệm vai trò già làng từ ông A Thim.

Trẻ em ở buôn Mlah luôn quấn quýt già làng Nay Ar. Ảnh: N.B
Trẻ em ở buôn Mlah luôn quấn quýt già làng Nay Ar. Ảnh: N.B

Theo vị già làng này, một trong những nguyên nhân dẫn đến cái nghèo chính là thói quen lâu đời của người dân trong làng. Ngoài những việc lớn cần phải đập trâu, đập bò, những việc nhỏ như xử một vụ trộm cắp, giải quyết chuyện xích mích giữa vợ chồng, giữa nhà này với nhà khác mà đập con bò thì rất lãng phí. Vì không chỉ mất con bò, người làng còn bỏ công việc tụ tập uống rượu gây lãng phí thời gian.

Già làng Nay Ar nói rằng, truyền thống ông bà vẫn phải giữ, nhưng cần thay đổi một số thứ cho hợp lẽ. Nếu không, cái nghèo sẽ còn đeo bám. Vậy cái gì giữ và cái gì không? Đây là vấn đề vốn làm cho vị già làng đau đầu vì ông là người cầm trịch, phải là tiếng nói của sự công minh, công bằng, đại diện cho lẽ phải để luôn giữ được luật lệ, trật tự làng Jrai từ xưa. Ông kể: “Từ thời già A Thim, rồi trước đó là các già làng khác nữa, mình đã học được những kinh nghiệm ứng xử quý giá. Nhưng có những điều cần thay đổi cho hợp lẽ. Chẳng hạn cái cần giữ là giữ nghiêm luật lệ của làng, phải đưa ra trước cộng đồng xử nghiêm chuyện trộm cắp, chuyện thanh niên gây rối đánh nhau, chuyện ngoại tình… Nhưng cái phải xóa bỏ bớt là sau mỗi lần xử phạt của làng, chỉ cần đập con gà với ghè rượu để ngồi lại với nhau. Con bò là tài sản để làm những chuyện lớn hơn. Mỗi khi họp làng, mình đều phân tích cho dân làng nghe chuyện này. Cần thoát nghèo, vì đây không chỉ là chuyện của làng mà còn là chủ trương lớn của huyện, của tỉnh. Việc gì cũng đòi “ăn bò” thì chẳng mấy chốc mà hết đàn bò, là đói, là nghèo mãi. Lúc đầu cũng có người phản ứng, cho rằng làm như vậy là trái với truyền thống ông bà. Nhưng mình nói mãi rồi dân làng cũng nghe, rồi thay đổi, chứ bắt thay đổi ngay cũng không được. Bây giờ đàn bò của buôn có đến vài ngàn con, là nguồn thu nhập chính của nhiều hộ gia đình”.

Trung tâm đoàn kết

Mùa Xuân ở Tây Nguyên cũng là lúc người bản địa bước vào mùa lễ hội. Già làng Nay Ar nói rằng, người Jrai ở buôn Mlah vẫn giữ nhiều lễ cúng, nhiều phong tục vào mùa Xuân nhưng không còn kéo dài hết ngày này sang ngày khác như trước đây. Mọi thứ đã được làm gọn nhẹ hơn, ít trâu, bò, heo, gà hơn, nhưng niềm vui lẫn sự náo nức rộn ràng của lễ hội vẫn không thay đổi. Ông cho biết: “Bây giờ không còn “tháng ba Tây Nguyên” như trước, các buôn làng đều đón Tết Nguyên đán, vì thế nhiều nơi đánh dấu mùa Xuân là thời điểm bắt đầu năm mới. Nhưng cái đó không quan trọng, miễn là mùa màng vẫn diễn ra đúng thời vụ, lễ hội diễn ra như vốn có từ xưa đến nay. Nhiều năm nay, cứ vào những ngày Tết, nhà mình thường làm một con gà hoặc to hơn là con heo, rồi gọi tất cả con cháu về quây quần uống với nhau vài cang rượu. Nhiều nhà ở đây cũng làm như vậy, coi như một sự khởi đầu tốt đẹp cho mùa Xuân khi có con cháu sum vầy. Sau đó, tùy vào từng gia đình, vào sự bàn bạc thống nhất của làng để tổ chức các lễ bỏ mả, cúng bến nước, lễ trưởng thành cho con cháu…”.

Già Nay Ar cho biết thêm, nhiều năm nay, ông còn đảm nhận luôn vai trò cúng Yàng mỗi khi làng có việc. “Trước đây, các thầy cúng đảm nhận việc này. Nhưng chính họ cũng khiến cho nhiều tập tục lạc hậu tồn tại trong cộng đồng khó bị xóa bỏ. Sau này, khi chính quyền, đoàn thể vận động người dân xóa bỏ các tập tục như cúng khi ốm đau, cúng khi có chuyện xui rủi thì các thầy cúng cũng không còn nữa”. Thay mặt dân làng đối thoại với thần linh trong những dịp quan trọng của làng, già Nay Ar nói ông phải tìm gặp những ông bà già để học các bài cúng, học cách xin Yàng những điều mà dân làng mong cầu. “Trên hết vẫn là lòng thành kính của mình, xin thần linh ban cho thời tiết thuận hòa để trâu bò không chết, mùa màng tươi tốt, dân làng mạnh khỏe… Có như vậy, cuộc sống mới yên vui, no ấm”-ông nói.

Giữ vững trật tự của làng không còn là điều dễ dàng đối với những già làng như Nay Ar trong xã hội Tây Nguyên ngày nay. Nhưng theo vị già làng này, mọi việc đều phải xử theo công bằng, lẽ phải và pháp luật. “Có những thứ cần ông bà dẫn đường, mách bảo, nhưng có những thứ mình phải học hỏi từ báo, đài… Có như vậy mới nói cho mọi người biết cái đúng, cái sai, điều hay lẽ phải, mới giữ được trật tự của làng”-ông nói.

Nguyên Bình

Baogialai.com.vn

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới