Thứ Năm, 9 Tháng Năm, 2024
Trang chủTin Gia LaiNghề làm bánh phở gia truyền ở Pleiku

Nghề làm bánh phở gia truyền ở Pleiku

Nhắc đến phở Gia Lai, mọi người không thể không kể đến nguyên liệu bánh phở rất đặc trưng, có màu trắng đục, sợi nhỏ và dai, được làm hoàn toàn từ gạo.

Theo bà Đặng Thị Mừng (64 tuổi, ở 89 Phạm Ngọc Thạch, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai): “Ông tổ nghề làm bánh phở Gia Lai có lẽ là ông Hầu Tắc Cái ở đường Bà Triệu, TP. Pleiku. Ngày trước, nhà tôi ở gần nhà bác Cái, từ hồi còn nhỏ đã thấy gia đình bác ấy làm bánh phở. Có thời gian mẹ tôi phụ việc cho gia đình bác, sau đấy học nghề rồi ra làm riêng từ những năm trước 1975. Hiện gia đình tôi có 4 người, là thế hệ thứ 2 giữ lấy nghề”-bà Mừng cho biết.

Máy móc cũng không thể thay thế con người việc phơi, xếp bánh. Ảnh: Đ.P
Máy móc cũng không thể thay thế con người việc phơi, xếp bánh. Ảnh: Đ.P

Theo chỉ dẫn của bà Mừng, tôi đi tìm nhà gặp ông Hầu Cải Tắc là con trai ông Hầu Tắc Cái (127 Bà Triệu, TP. Pleiku). Ông Tắc ngoài 70 tuổi, mắt đã yếu, chân bước đã chậm tiếp tôi bên bàn trà đặt ngoài sân dưới tán vú sữa. Ông kể: “Cha mẹ tôi định cư ở đây từ những năm 1954 của thế kỷ trước. Ngày ấy, mẹ tôi nấu phở cho cha tôi gánh bán. Bánh phở cũng được mẹ tôi làm ra từ hồi ấy. Riêng gia đình tôi đã có 3 thế hệ hành nghề, mở ra 6 lò khác nhau ở Pleiku và các xã lân cận. Còn có người ăn phở thì còn duy trì lò làm bánh phở, hẳn nhiên là vậy”-ông Tắc nhấp cụm trà đưa lời nhận xét.

Bánh phở làm từ nguyên liệu chính là gạo loại tốt, qua nhiều công đoạn như: ngâm, làm sạch gạo, xay bột nước, tráng, phơi, lột bánh, cắt thành sợi (nếu khách hàng yêu cầu), lại phơi khô, đóng gói thành phẩm. “Chừng 15 năm trước, khi chưa có máy móc, làm ra sợi bánh phở hoàn toàn dựa vào sức người nên mất rất nhiều công sức. Ngày tốt nắng, từ 4 giờ đến 15 giờ tráng được chừng hơn nửa tạ gạo đã là quá giỏi. Chỉ riêng tìm chất đốt cũng là việc lớn của nhà lò”-bà Mừng tâm sự.

Giờ đây, nhờ vào máy móc hiện đại nên mỗi lò có thể tráng đến cả tấn gạo mỗi ngày. Thị trường tiêu thụ bánh phở được mở rộng ra nhiều tỉnh thành cả nước, đến các quán mang thương hiệu “Phở 2 tô” Gia Lai và đến tận mỗi gia đình biết nấu loại phở này. Tuy thế, lò làm phở nguyên liệu cũng nhiều lên so với trước đây nên cạnh tranh nhau về giá thành.

Muốn mở được lò làm phở cần diện tích nhà xưởng không dưới 200 m2 để đặt máy móc, làm lò sấy; hơn 1.000 m2 đất vườn dùng làm sân phơi. Ngoài ra, còn phải xây hệ thống bể chứa nước thải ngầm đủ lớn, thể tích không dưới 50 m3 nhằm tránh ô nhiễm môi trường. Chưa kể phải đầu tư cả dàn máy đến 100 triệu đồng. Được biết, những cơ sở làm bánh phở tách ra từ gia đình ông Tắc, bà Mừng đều hội đủ những điều kiện như vậy, mới biết nghề đem lại thu nhập không tồi.

Vì không có chất bảo quản, phở nguyên liệu cất giữ trong điều kiện nhiệt độ bình thường chỉ trong thời gian không quá 10 ngày, lâu hơn sẽ bị chuyển mùi, mất hết vị ngon của bánh phở. Mùa mưa, phải sử dụng lò sấy bằng than củi. Tất nhiên sẽ “đội” giá thành, nhưng giá bán ra thì vẫn không thay đổi. “Chúng tôi mong muốn liên kết thành hợp tác xã để mang thương hiệu phở Gia Lai đi xa hơn, có mặt ở các siêu thị cả nước và tránh tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh”-bà Mừng bày tỏ.

Đình Phê

Baogialai.com.vn

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới