Thứ Năm, 9 Tháng Năm, 2024

Nhớ Pleiku

1. Gặp nhau ở Sài Gòn, nhà văn Hoàng Đình Quang kể: Pleiku nhà chú rất hay nhé. Hôm ở khách sạn Đức Long, tôi sang quán cơm gà bên cạnh ăn. Tự nhiên thèm thuốc, hỏi cháu phục vụ: Quán có thuốc không? Cháu ấy bảo không. Thực ra thì tôi không có nhu cầu hút, nhưng nghĩ, giữa Pleiku mù mịt sương thế đốt một điếu cũng hay, nên hỏi thôi, không có chả sao. Nhưng một người đàn ông bước lại, mời tôi điếu thuốc.

Hỏi thì biết đấy là chủ quán. Rồi chúng tôi nói chuyện với nhau. Nghe tôi bảo, mình là khách phương xa đến, chủ quán liền cười: Nếu anh đồng ý, tối tôi sẽ mời anh đi chơi một vòng cho biết Pleiku. Và tối ấy vợ chồng anh này lấy ô tô chở tôi đi chơi khắp Pleiku, rồi mời tôi cà phê. Chi tiết hay thế, người Pleiku hay thế mà tôi chưa viết được…

Một góc TP. Pleiku.   Ảnh: Đức Thụy
Một góc TP. Pleiku. Ảnh: Đức Thụy

2. Nếu chịu khó tìm hiểu, Pleiku có nhiều quán, nhà hàng rất lạ. Như cái quán này. Rất bình dân, hun hút trong hẻm, nhà ở căng tôn ra sân làm quán, chỉ 3 người phục vụ, đồng thời là chủ: ông chủ, bà chủ và đứa con gái học cấp II. Đồ nhắm ở đây khá ngon, rất tươi, toàn thịt bò. Nghe nói ông chủ sáng sáng đi lựa được hầu hết những gì ngon nhất của bò mang về, đặc biệt là cuống tim và gàu nướng than hoa. Khách nướng tại chỗ, xèo xèo, bùng bùng, rất vui… Quán ít người phục vụ mà khách đông nên hầu như chả thấy họ cười bao giờ. Gọi cái gì thường là không nghe trả lời nhưng lúc sau sẽ được phục vụ, cứ lặng lẽ như cái bóng. Như người ta dạ một phát rõ to cho khách sướng bụng, đây cứ im như phim câm. Nhưng mà yên tâm, không cần gọi lại, họ nghe hết đấy.

Buồn cười nhất là chuyện khách… có lỗi. Hôm ấy, tôi được mời đi nhậu. Thấy trên xe có chai rượu ngon nên tính mang vào uống. Mấy người trên xe bảo, quán này nó lạ lắm, nhưng thôi cứ mang vào xem sao, có khi không bị… mắng đâu.

Trên bàn có 2 ông là hàng xóm của quán. Rượu vừa rót, bà chủ ra hỏi: Sao lại mang rượu vào quán. Anh hàng xóm bảo, kêu bia rồi nhưng uống ly rượu cho nó bốc. Lát sau, ông chủ ra, mặt như… sắp oánh nhau: Đã bảo không mang rượu tới mà sao cứ mang, ra chỗ khác mà nhậu. Cả bàn nhìn nhau. Anh hàng xóm, to con như Lý Đức… rụt rè bỏ chai rượu xuống gầm bàn, the thẽ rót bia và kêu thêm một chai rượu của quán. Từ bấy, kêu cái gì cũng cứ ngại như là mình đi… xin của quán, ngại ngại là…

Nhưng lại… không bỏ quán được nên thi thoảng vẫn đến, bởi ngẫm, giờ kiếm được chỗ ăn mà nó hợp với mình cũng khó. Và, có lẽ ai cũng nghĩ thế nên quán rất đông khách dù hẻm ngoắt ngoéo, bởi nó tươi và bình dân và mình cứ như đang ở… nhà mình, lật lật nướng nướng rất thú, miếng thịt như đang hi hóp thở, miễn đừng mang đồ uống của mình đến. Có lần thấy bà chủ cười, ấy là có một anh trong bàn có việc về sớm, vào thanh toán trước. Cuối bữa nhậu thì thấy thừa 4 lon bia đã tính tiền rồi. Có mấy phương án: một là bỏ lên xe mang về, hai là uống nốt và ba là gửi lại. Cuối cùng quyết: gửi lại. Hỏi đùa: Lần sau đến uống có nhớ không? Bà chủ cười rất tươi: Nhớ chứ, lần sau em trả các anh 4 lon bia.

Có mấy bạn ở nơi khác đến, được tôi đưa đến đây, về cứ nhắc: Lần sau đến Pleiku sẽ quay lại quán này.

3. Lại có một quán cà phê tôi uống từ khi cô bé phục vụ ở đấy… 12 tuổi, giờ 26 tuổi, khá xinh và đã có người yêu.

Cô bé này chả được đào tạo gì, nhà khó khăn, đi làm từ sớm, nhưng có trí nhớ đặc biệt. Khách đến lần thứ 2 là nhớ gu khách. Sau một nụ cười là câu hỏi: Chú vẫn đen nóng đường kiêng ạ. Đến lần thứ 4 thì không cần hỏi nữa, cứ đúng như thế bưng ra, tất nhiên, trừ khi khách thay đổi yêu cầu. Không những thế, cô bé còn rất ý tứ. Bưng cả hàng chục ly cà phê ra, bỏ trước mặt từng người đúng ly của họ, không lẫn. Bởi, cái bọn nghiện cà phê có cái thú là ly cà phê trước mặt đương nhiên biết là của mình, lơ đãng mở phin ra, lơ đãng cho đường vào, lơ đãng khuấy, lơ đãng đưa ly lên, thưởng thức cái nồng nàn của hương đầu vị cà phê khi ly vừa ngang tầm mũi. Nếu lộn, ví dụ thay vì đen là sữa, thay vì đường kiêng là đường không kiêng, thay vì đen nóng lại là đen đá… sẽ hỏng ly cà phê, hỏng luôn cả buổi sáng thi vị. Cô bé phục vụ này chưa bao giờ lẫn. Tính tiền càng tài. Giữa bốn năm cánh tay giơ ra đón lấy phiếu tính tiền, biết đưa cho cánh tay nào giơ ra… thành thật, sẵn sàng móc ví, không đưa cho những cánh tay giơ để mà… giơ. Hỏi sao cháu tài thế, cười: Thì làm lâu là quen thôi mà. Không hẳn nhé. Nhiều người làm như công cụ, chả bao giờ nhập tâm…

Tôi đang dự một trại sáng tác văn học ở Biên Hòa, nhớ Pleiku từ những chi tiết nhỏ như thế… Nhỏ thôi, nhưng cũng đủ để người Pleiku đi xa nhớ về. Nhỏ thôi, nhưng cũng đủ thêm một lần níu chân du khách. Lại thấy, nếu những người làm du lịch ở Pleiku mình lưu tâm được cả đến những chi tiết nhỏ này, có lẽ, sẽ có thêm nhiều lượt khách đến thăm và mong muốn được trở lại nơi này.

Văn Công Hùng

Baogialai.com.vn

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới