Thứ Năm, 16 Tháng Năm, 2024
Trang chủTin Gia LaiNhớ tiếng chày giã gạo "binh bong"

Nhớ tiếng chày giã gạo “binh bong”

Năm 1995, có lần tôi cùng một số đồng nghiệp xuống huyện Kông Chro ( Gia Lai) công tác, nhiệm vụ được Ban Biên tập giao là tìm hiểu về đời sống và phong tục tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây. Có rất nhiều tập quán hay của cộng đồng làng xã nơi đây, trong đó có nét đẹp về sự chia sẻ, động viên nhau vượt qua khó khăn, đói nghèo ở làng đồng bào dân tộc Bahnar. Và với tôi, tiếng chày khua giã gạo “binh bong” là ấn tượng khó quên nhất về sự sẻ chia ấy.

Ông Đinh Nưng, khi ấy là Bí thư Đảng ủy xã Yang Nam kể với chúng tôi rằng: Thông thường, người ta để cối dưới đất để giã gạo, tiếng chày kêu nghe “thình thịch”. Còn khi giã gạo trên nhà sàn thì lại phát ra tiếng “binh bong, binh bong”. Đây là một nét văn hóa có tính ước lệ trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Cảnh giã gạo chày tay ngày càng khó gặp ở các làng đồng bào dân tộc thiểu số.                                                                            Ảnh: internet
Cảnh giã gạo chày tay ngày càng khó gặp ở các làng đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: internet

Theo ông Đinh Nưng, vào mùa thu hoạch, nhà nào gặt lúa trước thì mang cối gỗ lên sàn nhà để giã gạo, tiếng giã gạo “binh bong” chính là thông điệp của gia chủ gửi đến những gia đình khó khăn hơn, rằng: “Lũ làng ơi, nhà mình đã có lúa mới, đã có gạo mới, ai chưa có gạo thì đến nhà mình mà lấy gạo về…”. Hay khi giáp hạt, nếu nhà ai phát ra tiếng giã gạo “binh bong” thì ấy là lời mời chân tình: “Nhà mình còn gạo, ai thiếu gạo thì cứ đến nhà mình mà lấy”. Bởi thế, tại các làng người Bahnar ở xã Yang Nam ngày ấy, mỗi khi nghe tiếng chày khua “binh bong, binh bong…” vang xa là biết mùa lúa mới bắt đầu. Chính tiếng “binh bong” ấy là thông điệp đầy tính nhân văn, rằng ở đây có tấm lòng muốn sẻ chia cho nhà ai thiếu khó.

Có lần tôi mang câu chuyện trên kể với ông Siu Thoát, hồi ấy là Chủ tịch UBND huyện Chư Sê (nay ông đã mất), ông cho biết, trong cộng đồng Jrai của ông cũng có sự tương trợ lúc khó khăn như thế. Tiếng giã gạo luôn là âm thanh thân thuộc, đầm ấm, là thông điệp đơn sơ mà đầy tình người. Chính gia đình ông nhiều khi cũng đã sẻ chia cho bà con trong làng đến hạt gạo cuối cùng.

Lại nhớ, có lần trao đổi với ông Ngô Thành-cán bộ lão thành cách mạng, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, người từng gắn bó với đồng bào dân tộc thiểu số trong suốt thời kháng chiến chống Mỹ-ông cũng kể: Mỗi khi vào chiến dịch, để phục vụ hậu cần và cung cấp gạo cho bộ đội, bà con Bahnar ở huyện Kbang lại truyền tai nhau “Tất cả vì chiến dịch”. Khi ấy, làng làng giã gạo, người người giã gạo, âm thanh “binh bong” vang rộn cả núi rừng. Cán bộ nằm vùng nghe tiếng “binh bong” ấy là “giải mã” được tín hiệu từ làng, rằng đã có lương thực, mời cán bộ hãy về làng mà lấy…

Hẳn những ai đã biết bài hát “Tiếng chày trên sóc Bom Bo” (nhạc sĩ Xuân Hồng) thì sẽ hiểu tiếng chày khua ở Tây Nguyên đã đi vào truyền thống văn hóa cách mạng, mang đầy chất nhân văn của đồng bào các dân tộc sinh sống trên dãy Trường Sơn. Bây giờ, cuộc sống đã có nhiều thay đổi và tương đối đủ đầy. Ta về làng đã không còn mấy khi thấy cảnh giã gạo chày tay, bởi máy móc đã làm thay con người. Thôn làng bây giờ chuyên canh cà phê, hồ tiêu, ruộng rẫy cũng ít đi, nếu nhà ai thiếu gạo thì có thể mua ngoài đại lý.

Vậy nên, tiếng chày khua, tiếng “binh bong” một thời giờ đây hầu như chỉ còn là tiếng vọng của một thứ thanh âm đầy nhung nhớ.

Quốc Ninh

Baogialai.com.vn

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới