Thứ Hai, 6 Tháng Năm, 2024
Trang chủTin Gia LaiNhững cánh nỏ vàng

Những cánh nỏ vàng

Từ bao đời, cánh nỏ vốn là vật linh thiêng được người Jrai và Bahnar ở Tây Nguyên mang theo bên mình để đánh giặc, tự vệ cũng như săn bắt thú rừng nhằm cải thiện cuộc sống. Ngày nay, khi bắn nỏ trở thành môn thể thao truyền thống của dân tộc thì từ đây đã xuất hiện nhiều “cây” nỏ vàng.

Bén duyên với… nỏ

Đến làng Pan (xã Dun, huyện Chư Sê) hỏi thăm ông Rơ Lan Jớp hầu như ai cũng biết. Bởi mỗi lần nhắc đến ông, người dân nơi đây đều dành cho ông sự ngưỡng mộ nhờ tài nghệ bắn nỏ. Ông Jớp cho hay, ông biết bắn nỏ từ năm 16 tuổi sau những lần đi theo người lớn trong làng vào rừng săn bắt thú rừng. Và đến nay, tài bắn nỏ của ông càng được ghi nhận khi hầu như năm nào ông cũng đạt giải cao tại các cuộc thi bắn nỏ do xã, huyện tổ chức.

Đã gần 80 tuổi nhưng ngày nào ông Klum cũng ra “thao trường” luyện bắn nỏ. Ảnh: H.T
Đã gần 80 tuổi nhưng ngày nào ông Klum cũng ra “thao trường” luyện bắn nỏ. Ảnh: H.T

Đặc biệt, tại Hội thao Người cao tuổi toàn tỉnh lần thứ XIV năm 2017, sau 10 loạt tên ở 2 tư thế quỳ và đứng bắn, ông đã giành được giải nhất với số điểm 72. Theo ông Jớp, kinh nghiệm để bắn nỏ đạt điểm cao là sau khi ngắm bắn, nỏ thủ phải nín thở nhấn cò để mũi tên không bị giật và bay đến đúng đích ngắm.

Không chỉ nổi tiếng bắn nỏ giỏi, ông Jớp còn sở hữu phương pháp chế tác những chiếc nỏ bắn “trăm phát trăm trúng”. Theo ông, nỏ được cấu tạo gồm 5 bộ phận: thân nỏ, cánh nỏ, lẫy nỏ, dây cung và mũi tên. Trong đó, những bộ phận chính như thân nỏ, dây cung và mũi tên phải được làm từ những nguyên liệu tốt thì nỏ mới chắc và cho kết quả cao nhất khi bắn. “Thân nỏ nếu được làm bằng gỗ trắc sẽ bền, chắc. Dây cung nếu được làm bằng cây gai sẽ dai, không bị giãn và đẩy mũi tên đi xa hơn. Riêng mũi tên nên làm bằng thân lồ ô già sau khi đã hơ qua lửa, như vậy mũi tên sẽ nặng, chắc và không bay chệch hướng ngắm”-ông Jớp giải thích.

Cha truyền con nối

Bên trong phòng khách của gia đình ông Nay Nua (làng Pôn Xô Ama Lơng, xã Chrôh Pơnan, huyện Phú Thiện)-người đạt giải nhất môn bắn nỏ tại Hội thao Người cao tuổi huyện lần thứ IV năm 2017 là 2 cánh nỏ được treo ngay ngắn trên tường. Ông Nua lý giải, 2 cánh nỏ này là tài sản quý không thể đánh đổi của gia đình. Bởi một trong 2 cánh nỏ này là vật kỷ niệm của bố ông để lại, chiếc còn lại được đổi bằng những hạt thóc của gia đình lúc khốn khó. “Tôi không nhớ mình biết bắn nỏ từ năm bao nhiêu tuổi. Bởi khi chưa cao bằng cánh nỏ, tôi đã được bố dẫn lên núi tập cách ngắm bắn, nẩy tên để săn bắt thú rừng. Khi thấy kỹ năng bắn nỏ của tôi khá lên, bố đã làm tặng tôi một chiếc nỏ mới. Song, nhận thức việc săn bắt thú rừng là phạm luật, tôi đành gác chiếc nỏ lên bếp và đợi mùa xuân đến mới mang ra giao lưu với trai làng. Tuy nhiên, niềm đam mê bắn nỏ với tôi chưa khi nào tắt”-ông Nua quả quyết.

Bởi thế nên khi bắn nỏ được đưa vào danh sách những môn thi đấu tại các sự kiện thể dục, thể thao của huyện, xã, ông Nua rất phấn khởi. Ngay lập tức, ông dời cánh nỏ từ trên gác bếp xuống treo trên tường phòng khách; đồng thời, từ số tiền có được sau vụ thu hoạch lúa của gia đình, năm 2009, ông không ngần ngại “đầu tư” 800 ngàn đồng mua một chiếc nỏ bằng gỗ cẩm để phục vụ cho việc luyện tập. Cứ thế, mỗi ngày ông đặt ra chỉ tiêu phải luyện bắn ít nhất 30 loạt tên, trong đó phải có 10 loạt tên trúng điểm 10. Nhờ đó, tài bắn nỏ của ông ngày càng cải thiện, giúp ông đạt được nhiều thành tích cao tại các hội thao do xã, huyện tổ chức. Ông Nua vui vẻ cho biết: Từ khi bắn nỏ trở thành môn thể thao truyền thống tại các sự kiện thể dục, thể thao của địa phương, việc luyện tập bắn nỏ đã trở thành phong trào sôi nổi của người dân trong làng. Đặc biệt, từ đây, người dân trong làng có thêm nhiều cơ hội giao lưu, thi thố tài năng.

Người thầy của những xạ thủ

Tuy là người dân tộc Hrê nhưng ông Đinh Klum (phường Tây Sơn, TP. Pleiku)-nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, lại mê môn thể thao bắn nỏ của người Jrai, Bahnar. Ông Klum kể, ông biết đến môn bắn nỏ như một mối duyên. Đó là năm 2003, sau khi nghỉ hưu, ông được Hội Người cao tuổi phường Tây Sơn mời tham gia luyện tập để thi đấu tại Hội thao Người cao tuổi TP. Pleiku. Dù chưa từng bắn nỏ nhưng gắn bó với mảnh đất và con người Tây Nguyên đã hơn 60 năm nên ông hiểu phần nào về môn thể thao này. Vì vậy, ông không ngần ngại học hỏi kinh nghiệm bắn nỏ từ người bản địa. “Hồi đó, do chưa quen nên nhiều lần tập bắn, tôi bị mũi tên bật ngược lại khiến tay bị ứa máu. Thế nhưng, càng tập càng thấy yêu thích môn bắn nỏ nên ngày nào tôi cũng tham gia luyện tập”-ông Klum nhớ lại.

Và đến nay, dù đã gần 80 tuổi nhưng ngày nào “nỏ thủ” Klum cũng ra “thao trường” ngay trước mặt nhà mình để tập bắn nỏ. Theo ông, để bắn nỏ đạt kết quả tốt, ngoài trang bị cho mình một chiếc nỏ với các mũi tên chuẩn, người bắn nỏ phải có đôi mắt sáng và sức khỏe tốt. Và chính sự siêng năng, khổ luyện đó đã giúp ông trở thành “nỏ thủ” có tiếng tại TP. Pleiku. Đặc biệt, từ năm 2003 đến nay, ông đã giành được 15 huy chương các loại khi tham gia thi đấu tại các Hội thao do Hội Người cao tuổi tỉnh và thành phố tổ chức.

Ngưỡng mộ trước tài bắn nỏ của ông, từ năm 2011, nhiều học sinh trên địa bàn TP. Pleiku đã đến nhà ông xin được “tầm sư học đạo”. Và kể từ đó, trung bình mỗi năm, ông nhận đào tạo kỹ năng bắn nỏ cho trên 20 học sinh các trường: THPT Nguyễn Chí Thanh, Pleiku, Lê Lợi và THCS Phạm Hồng Thái. Và để việc huấn luyện đạt kết quả, tự tay ông làm ra những chiếc nỏ phù hợp với sức khỏe của học trò. Nhờ đó, học trò của ông đã gặt hái được nhiều thành tích đáng nể tại các cuộc thi. Đặc biệt, tại Hội khỏe Phù Đổng TP. Pleiku lần thứ IX năm 2015, cả 6 nỏ thủ của Trường THCS Phạm Hồng Thái nhờ được ông huấn luyện đã “ẵm” trọn 2 bộ huy chương. Ông Klum tâm sự: “Bắn nỏ là môn thể thao khá hấp dẫn bởi mỗi khi bắn, các “nỏ thủ” có cơ hội thể hiện niềm đam mê, sự oai dũng và khéo léo của mình. Vì thế, tôi muốn huấn luyện cho thế hệ trẻ để chúng không chỉ tham gia thi đấu đạt kết quả cao mà còn giữ gìn được môn thể thao truyền thống này”.

Hồng Thương

Baogialai.com.vn

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới