Thứ Bảy, 27 Tháng Tư, 2024
Trang chủTin Gia LaiNông nghiệp kết hợp du lịch trải nghiệm: Nhiều dư địa

Nông nghiệp kết hợp du lịch trải nghiệm: Nhiều dư địa

Các mô hình nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Gia Lai đang góp phần phát triển du lịch cộng đồng, đặc biệt là thúc đẩy phát triển du lịch nông nghiệp trải nghiệm. Đây đang là “mảnh đất màu mỡ” và còn nhiều dư địa để phát triển.

Mô hình “dưa-dâu-cà” được trồng trong nhà kính có áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel tại khu thực nghiệm ứng dụng khoa học và công nghệ (KH-CN) thuộc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH-CN tỉnh đang thu hút sự chú ý của nhiều người.

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH-CN Võ Thị Thùy Ngân: “Đây là mô hình làm nông nghiệp sạch và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Các loại vật liệu như cuộn màng nhà kính PE hay tấm nhựa lấy sáng polycarbonate bao quanh nhà kính giúp ngăn chặn các loại khói, bụi từ môi trường và tác động từ thời tiết. Môi trường bên trong nhà kính cũng sẽ hạn chế tối đa các loại sâu bệnh gây hại cho cây trồng. Vì vậy, không cần sử dụng đến các loại thuốc trừ sâu, cây trồng đảm bảo được phát triển một cách tự nhiên nên rất an toàn cho người tiêu dùng”.

Người dân trải nghiệm hái cà chua tại khu thực nghiệm của Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ tỉnh. Ảnh: H.D

Người dân trải nghiệm hái cà chua tại khu thực nghiệm của Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ tỉnh. Ảnh: H.D

Anh Đặng Hồng Phước (tổ 6, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) chia sẻ: “Khi đến tham quan, tôi rất thích mô hình này. Tôi đã ăn thử và thấy dưa rất ngọt. Theo tôi tìm hiểu, độ ngọt của dưa trung bình khoảng 13-15 độ brix. Tuy nhiên, dưa ở đây đạt tới hơn 16 độ brix.

Thêm vào đó, màu của quả rất đẹp, đó là màu vàng nghệ, vân đồng đều. Quan trọng nhất là các loại cây ở đây được trồng theo công nghệ mới, sạch. Ngày 8-3 vừa rồi, tôi đã đưa gia đình đến tham quan mô hình. Cả nhà ai cũng thích”.

Hiện nay, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH-CN tỉnh đang trồng 3 giống dưa lưới là dưa Hoàng Ngân, dưa thử nghiệm và dưa Inno; 2 giống cà chua cherry socola và 1 giống dâu tây Nhật Bản.

Nói về phương hướng phát triển của Trung tâm, ông Nguyễn Nam Hải-Giám đốc Sở KH-CN-cho hay: “Mô hình này không chỉ để các tổ chức, cá nhân, nhất là bà con nông dân tham quan học tập và ứng dụng vào sản xuất mà còn hướng đến mục tiêu xây dựng nơi đây thành điểm đến thu hút khách du lịch”.

Với vườn cà phê, chuối, mía, bắp, chanh dây… trên diện tích khoảng 2 ha, cộng thêm ruộng lúa và gần 20 ha cây công nghiệp, cây ăn quả của người dân xung quanh mà đơn vị liên kết, Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ Ia Kênh (TP. Pleiku) cũng đã thành công trong việc góp phần thúc đẩy phát triển mô hình nông nghiệp kết hợp du lịch trải nghiệm. Tại đây, du khách có những trải nghiệm quý giá liên quan đến các hoạt động nông nghiệp và thu hoạch trái cây, chụp ảnh lưu niệm.

Anh Đặng Thành Dư-Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ Ia Kênh-cho hay: “Chúng tôi đã đón rất nhiều đoàn khách từ các tỉnh, thành đến trải nghiệm. Ai cũng bày tỏ sự thích thú khi được chặt mía, hái quả, chụp ảnh ngay tại vườn.

Cuối năm 2023, Trường Quốc tế châu Á Thái Bình Dương-Gia Lai phối hợp với chúng tôi tổ chức cho học sinh tham gia các hoạt động trải nghiệm trên đồng ruộng như lội ruộng để bắt cá, bắt cua, bắt vịt; tìm hiểu kiến thức liên quan đến văn minh lúa nước; buổi tối thì cắm trại…”.

Là một trong những học sinh tham gia buổi ngoại khóa, em Lê Hồng Sơn (lớp 12A2) chia sẻ: “Đã học tới lớp 12 nhưng em chưa có nhiều cơ hội để trực tiếp lội ruộng, chưa bao giờ có cơ hội bắt cá giữa đồng… Em rất thích những hoạt động ngoại khóa như thế này, bởi qua đó sẽ có thêm những kiến thức, trải nghiệm khó quên”.

Du khách từ các tỉnh đến tham quan mô hình nông nghiệp kết hợp du lịch trải nghiệm tại Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ Ia Kênh (TP. Pleiku). Ảnh: Hà Duy

Du khách từ các tỉnh đến tham quan mô hình nông nghiệp kết hợp du lịch trải nghiệm tại Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ Ia Kênh (TP. Pleiku). Ảnh: Hà Duy

Thành phố Pleiku hiện có hơn 20 điểm hoạt động du lịch nông nghiệp, nông thôn, chủ yếu khai thác theo mô hình du lịch cộng đồng, mô hình trải nghiệm du lịch vườn sinh thái. Năm 2024, UBND TP. Pleiku giao các phòng, ban và đơn vị liên quan phối hợp cùng UBND các xã, phường xây dựng mô hình du lịch nông nghiệp tại làng Ia Nueng (xã Biển Hồ), làng Tiêng 1 (xã Tân Sơn), làng Ốp (phường Hoa Lư), làng Wâu (xã Chư Á)…

Theo Nghị quyết số 06-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Pleiku, du lịch trải nghiệm nông nghiệp là một nội dung quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch của địa phương. Trong đó, thành phố sẽ ưu tiên phát triển các sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái, miệng núi lửa, hồ nước, các sản phẩm du lịch gắn với vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao…

Cùng với TP. Pleiku, các địa phương khác cũng có những chiến lược, kế hoạch để thúc đẩy phát triển mảng này. Ông Nay Kiên-Chủ tịch UBND huyện Chư Păh-cho biết: Huyện có rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch. Thời gian qua, nhiều tổ chức, cá nhân đề nghị địa phương tạo điều kiện cho triển khai các hình thức phát triển du lịch nông nghiệp. Huyện cũng đã trình UBND tỉnh phê duyệt Đề án thí điểm khai thác dịch vụ du lịch kết hợp phát triển nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn.

KHANG NGHI

Nguồn: Báo Gia Lai

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới