Thứ Sáu, 3 Tháng Năm, 2024
Trang chủThời SựHồ sơ mật: Điệp viên Mossad và hành trình truy lùng “đồ...

Hồ sơ mật: Điệp viên Mossad và hành trình truy lùng “đồ tể Riga” – Phần 1

Tưởng chừng Nam Mỹ sẽ là nơi ẩn náu an toàn cho kẻ mang biệt danh “Đồ tể Riga”, nhưng những dấu vết nhỏ nhất cũng khó thoát khỏi con mắt của các điệp viên Mossad trong nỗ lực truy lùng và trừng trị những kẻ đã gây ra cuộc thảm sát người Do Thái lớn nhất thế kỷ 20.

Ngày 7-3-1965, báo chí thế giới nổi sóng với thông tin cho biết nhà chức trách Uruguay phát hiện một chiếc hòm trong đó là thi thể của kẻ được mệnh danh là “Đồ tể Riga”. Khi bị giết, nạn nhân đã có vợ con là người Brazil và đang mang quốc tịch nước này.

Chiếc hòm các điệp viên Mossad đựng xác “đồ tể Riga” tìm thấy ở Montevideo. Ảnh: Yetnetnews

Theo cảnh sát Uruguay, trên thi thể kẻ bị sát hại 65 tuổi này có gắn kèm một tờ giấy ghi bản án do một nhóm biệt kích Do Thái ký tên “Những người không bao giờ lãng quên”. Trên thực tế, “đồ tể Riga” đã bị bắt cóc và bị sát hại hai tuần trước đó và thi thể của nạn nhân chỉ được phát hiện sau khi một hãng thông tấn Đức có trụ sở ở Bonn nhận được một thông báo nặc danh nói Cukurs đã bị giết và chỉ rõ địa điểm vụ sát hại. Thông báo này ngay lập tức được chuyển đến cho cảnh sát Uruguay và “nạn nhân” đã được tìm thấy trong một căn biệt thự ở ngoại vi thủ đô Montevideo cùng 5 vỏ đạn vương vãi quanh chiếc thùng đựng xác.

Khi khám xét hiện trường, cảnh Uruguay đã tìm thấy một phù hiệu không quân Đức bằng vàng cùng vé máy bay có lộ trình từ Brazil đến Uruguay và sau đó đến Argentina. Điều tra cũng cho thấy nạn nhân đã đặt phòng ở một khách sạn và di chuyển từ đó đến địa điểm bị bắt và bị giết trong cùng một ngày. Nhóm biệt kích rõ ràng đã làm hộ chiếu giả và tuyển người địa phương giúp sức để đưa đối tượng đến Montevideo.

Từ người hùng đến tội phạm bị săn đuổi

Trong những năm của thập niên 1930, Herberts Cukurs nổi tiếng ở Latvia là nhà tiên phong trong lĩnh vực hàng không. Năm 1933, khi mới ngoài ba mươi tuổi, viên phi công người Latvia là Herberts Cukurs đã cầm lái chiếc máy bay do chính tay mình làm ra cất cánh từ sân bay Riga (thủ đô Latvia) và hoàn thành hành trình lịch sử tới Gambia tận châu Phi. Năm 1937, viên phi công này lại một lần nữa điều khiển chiếc máy bay C6 bằng gỗ do mình chế tạo thực hiện chuyến hành trình dài khoảng 45.000 km từ Riga qua Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ và Đông Dương. Những hành trình đặc biệt và ít nhất 3 chiếc máy bay tự chế đã biến viên phi công – kỹ sư tài năng trở thành một người hùng với biệt danh được giới báo chí gán cho là “Đại bàng Latvia”. Một trong những chiếc máy bay dùng cho những hành trình kia còn được trưng bày trong bảo tàng ở thủ đô Riga.

Lực lượng cảnh sát Arajs do Đức thành lập truy lùng người Do Thái năm 1941. Ảnh: The Times of Israel

Nhưng mọi thứ thay đổi từ khi xảy ra Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Sau khi Hồng quân rút khỏi Latvia, Đức quốc xã tràn vào chiếm đóng quốc gia này. Cukurs trở thành chỉ huy phó của đơn vị cảnh sát đặc nhiệm Arajs do Đức thành lập tại Latvia. Đơn vị này có vai trò chính trong cuộc thảm sát cộng đồng người Do Thái ở Latvia. Đã có gần 80.000 người Do Thái, tương đương 90% người Do Thái tại Latvia, bị giết sau khi Đức Quốc xã chiếm đóng quốc gia này. Trong số các nạn nhân, người ta cho rằng Cukurs phải chịu trách nhiệm cho cái chết của khoảng 30.000 người Latvia gốc Do Thái.

Herberts Cukurs đã tự nguyện phục vụ chế độ phát xít và trở thành một kẻ giết người không ghê tay, bằng đủ mọi hình thức man rợ. Nạn nhân của hắn có cả trẻ em, người già, phụ nữ và giáo sĩ. Vì những hành động tàn ác này, Cukurs bị gọi là “Đồ tể Riga”. Theo lời kể của một nạn nhân may mắn sống sót sau thảm sát, chỉ trong ngày 30-11-1941, Herberts Cukurs đã tự tay bắn chết 500 người Do Thái. Các nhân chứng cho biết Cukurs đặc biệt tàn ác và thường xuyên ngược đãi nạn nhân. Sau khi Đức Quốc xã bị Hồng quân quét sạch khỏi Latvia, Cukurs chạy đến Berlin và từ đó trốn sang Pháp sau khi Đức Quốc xã đầu hàng. Ở đây, Cukurs kiếm được quy chế tị nạn chính trị của lãnh sự quán Brazil ở Marseilles và bắt đầu hành trình chạy trốn sang quốc gia Nam Mỹ này.

Từng là một phi công lão luyện, khi sang Brazil, Cukurs cung cấp dịch máy bay du lịch đưa du khách đi ngắm cảnh thành phố và dịch vụ du thuyền trên hồ Rodrigo de Freitas – một thắng cảnh nổi tiếng của Rio de Janeiro. Tay tội phạm này không thay tên đổi họ, có lẽ một phần do tự tin rằng mình đã từng là một nhân vật nổi tiếng, một người hùng trước Thế chiến. Nhưng có lẽ điều quan trọng hơn cả là dù vẫn mang cái tên cũ, Herberts Cukurs đã mang một “lý lịch” mới hoàn toàn sạch sẽ. Đặc biệt hơn nữa, người đàn ông này còn mang theo một cô gái trẻ người Do Thái. Theo giới thiệu thì Cukurs đã mạo hiểm mạng sống của chính mình để cứu cô gái kia khỏi cái chết khủng khiếp dưới tay Đức quốc xã. Câu chuyện ấy khiến Cukurs rất được lòng cộng đồng Do Thái tại đây và “gã đồ tể” lại mang một biệt danh mới – “Vị cứu tinh từ Riga”.

Thảm sát tại bãi biển Skede (Latvia), nơi có tới 2.700 người Do Thái bị bắn chỉ trong 3 ngày, tháng 12-1941. Ảnh: The Times of Israel

Nhưng chuyện đó chấm dứt khi một cơn say đã lột mặt Cukurs, khiến cộng đồng người Do Thái nổi giận. Sau vài lần lẩn trốn, Cukurs chuyển tới Sao Paulo và tiếp tục làm dịch vụ du lịch như ở Rio de Janeiro. Tuy nhiên việc làm ăn trở nên khó khăn hơn trước rất nhiều.

Chạy đua với thời gian

Đầu thập kỷ 1960, 15 năm sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, Quốc hội Cộng hòa Liên bang Đức dự định áp dụng một số giới hạn đối với việc truy tố tội phạm chiến tranh theo hướng rút ngắn thời hiệu. Những điều chỉnh trên là cơ hội rũ sạch tội lỗi, công khai trở lại cuộc sống bình thường cho hàng ngàn tội phạm chiến tranh, vốn đang lẩn tránh ở Nam Mỹ và châu Âu dưới những cái tên “ma”. Điều đó sẽ giúp Đức hoàn thành mục đích khép lại một chương đen tối trong lịch sử của mình.

Nhưng đó lại là điều Israel không hề mong muốn bởi cộng đồng Do Thái là một trong những nạn nhân lớn nhất trong Chiến tranh thế giới thứ hai (ước tính có tới 6 triệu người Do Thái thiệt mạng dưới chế độ phát xít). Israel không bao giờ muốn bỏ qua những tội ác khủng khiếp của chế độ Đức quốc xã, dù với bất kỳ lý do nào. Vì vậy không thể có giới hạn nào đối với việc săn lùng, trừng phạt những tội phạm chiến tranh. Israel muốn gửi thông điệp đến cả thế giới rằng: Những tên tội phạm kia vẫn còn nhởn nhơ và chưa trả giá cho những gì chúng đã gây ra. Để làm điều này, Israel phải bắt được một con “cá to”, đủ để đánh động dư luận quốc tế.

Một tấm biển dán hình người bị truy lùng trong chiến dịch tìm kiếm và sát hại người Do Thái của Đức Quốc xã tại Latvia năm 1941. Ảnh: The Times of Israel

Thật nghịch lý, khi nhận nhiệm vụ khó khăn trên để ngăn chặn việc áp dụng giới hạn thời gian đối với việc truy lùng các tội phạm chiến tranh, các điệp viên Mossad lại đối mặt với giới hạn thời gian dành cho chính mình. Họ phải chạy đua để hoàn thành nhiệm vụ thật nhanh nhằm khuấy động dư luận nước Đức và thế giới, không để bất cứ ai tạo cơ hội thoát tội cho tội phạm chiến tranh. Nhiệm vụ được Joseph – một điệp viên Mossad tại Paris – đề xuất giao cho điệp viên Mossad từng may mắn thoát nạn diệt chủng Yaakov “Mio” Meidad và Meidad đã nhận nhiệm vụ không chút do dự. Là người Do Thái sinh ra và lớn lên ở Đức, Meidad đã tận mắt chứng kiến sự đổi thay đáng sợ của Đức khi lực lượng phát xít lớn mạnh dần. Hơn nữa chính bố mẹ Meidad từng bỏ mạng trong các trại tập trung của chế độ Đức quốc xã ở Auschwitz và Theresienstadt. May mắn thoát nạn vì đang ở nước ngoài, tháng 5-1960, điệp viên Mossad Meidad đã tham gia trực tiếp vào chiến dịch truy lùng, bắt giữ Adolf Eichmann tại Argentina trước khi bí mật chuyển tên tội phạm chiến tranh này về xét xử và thi hành án tử hình ở Israel.

(còn nữa)

Hồ sơ mật đem tới bạn đọc những bài viết về các vụ án, hồ sơ điệp viên, sự kiện lịch sử quân sự – chính trị thế giới đã được giải mật và những bí ẩn chưa có lời giải đáp.

HỮU DƯƠNG (tổng hợp từ The Guardian, The Jerusalem Post, Times of Israel, Ynetnews)

Nguồn: www.qdnd.vn

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới