Do hồ tiêu rớt giá sâu, bà con Gia Lai đang dần thay đổi lối trồng cũ, sử dụng phân bón, thuốc BVTV hóa học sang sản xuất sạch, VietGAP, organic.

Sản xuất sạch cứu vườn hồ tiêu

Đó là sự ưu việt thấy rõ của phương thức canh tác hồ tiêu sạch đang được nông dân xã Nam Yang, huyện Đak Đoa thực hiện, và đem lại kết quả rõ ràng.

Ông Hoàng Phước Bính-Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê-cho biết: “Sản xuất hữu cơ bền vững, bán được giá cao là điều chắc chắn. Năm 2017, tôi cùng Hiệp hội Hồ tiêu đi khảo sát một HTX ở Campuchia, hồ tiêu đạt chứng nhận tiêu chuẩn quốc tế về hữu cơ, đã bán được giá 14,5 USD, trong khi hồ tiêu thường chỉ 4 USD”.

Đặc biệt, tại Campuchia hiện nay, người dân vẫn canh tác theo phương thức truyền thống, không dùng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu hóa chất, chỉ dùng phân hữu cơ, hoặc phân vi sinh.

Canh tác như vậy, không chỉ hồ tiêu của họ được chứng nhận quốc tế về sản phẩm sạch, giá cao, mà gạo Campuchia cũng được chính… người Việt tiêu thụ, với giá cao hơn hẳn gạo sản xuất trong nước.

Sự hơn hẳn của chữ “sạch” ở tất cả các sản phẩm nông nghiệp là điều không cần bàn cãi. Song, vì sao nông dân Tây Nguyên lại chuyển đổi canh tác chậm như thế, cứ mãi dùng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu hóa chất?

Nhiều tới mức đất trồng bị chai lì, thoái hóa nghiêm trọng, còn cây trồng thì mất khả năng đề kháng, rất dễ bị mắc bệnh. Những căn bệnh phổ biến của hồ tiêu Tây Nguyên, có nguồn gốc từ nhiều năm trước. Nhưng nay phát ra ở diện rộng, khả năng chống đỡ vô cùng khó khăn.

Canh tác theo “phương thức hóa chất”, đã phải nếm nhiều trái đắng, hồ tiêu rớt giá thê thảm, tới mức tiền bán hồ tiêu không bù được tiền thuê nhân công thu hái.

Khi phải cho không sản phẩm của mình làm ra, thì sự nguy hiểm đã lên tới đỉnh cao, không còn sự lựa chọn nào khác, họ chấp nhận phá sản vườn hồ tiêu.

Vậy, đã đến lúc, các cơ quan chức năng, kể cả ngân hàng là nơi cho nông dân vay tiền canh tác, cần có biện pháp quyết liệt, để giúp nông dân tìm đường ra cho cây hồ tiêu.

Điều đáng nói nữa là, giá hồ tiêu đạt chuẩn organic trên thị trường thế giới vẫn không hề thấp, thậm chí lúc nào ở mức cao.

Nhưng chuyển đổi cả một hệ tư duy, một phương hướng canh tác, vốn đã ăn sâu trong nếp nghĩ, cách làm của người trồng hồ tiêu, là điều không hề dễ.

Chính vì thế, càng cần sự chung tay, góp sức của nhiều cấp ngành, để chuyển đổi từ trồng hồ tiêu “không sạch” sang hồ tiêu “sạch”. Vì đó là tương lai tươi sáng của ngành sản xuất hồ tiêu Việt.

Tuy nhiên, đã có địa phương đi tiên phong, đó là xã Nam Yang, một người dân ở đây cho biết: “Đơn giản là phải liên kết với nhau, cùng chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay trong chăm sóc hồ tiêu theo hướng hữu cơ bền vững”.

Theo đó, nông dân liên kết với doanh nghiệp, để được cung ứng kỹ thuật, phân bón hữu cơ vi sinh, giảm chi phí đầu vào ở mức thấp nhất. Sản xuất theo hướng hữu cơ, giá trị sản phẩm thấp nhất cũng cao gấp đôi, so với canh tác bằng phân hóa học”.

Với kinh nghiệm từ Nam Yang, cây hồ tiêu hoàn toàn có thể “bứt phá” trong giai đoạn vô cùng gian nan này.

Theo Baomoi.com