Thứ Năm, 9 Tháng Năm, 2024
Trang chủTin Gia LaiTái khẳng định thế mạnh cây điều

Tái khẳng định thế mạnh cây điều

Theo báo cáo của Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), năm 2017, tổng kim ngạch xuất khẩu hạt điều nhân của cả nước vượt mức 3,5 tỷ USD, chiếm khoảng 10% tổng kim ngạch xuất khẩu nông nghiệp (36 tỷ USD). Năm 2018, toàn ngành phấn đấu đạt tổng kim ngạch xuất khẩu từ 3,6 đến 3,8 tỷ USD. Đây là tín hiệu cực kỳ lạc quan đối với ngành xuất khẩu hạt điều và người trồng điều Việt Nam.

Vài năm gần đây, diện tích cây điều ở nước ta giảm đáng kể. Các tỉnh Tây Nguyên chỉ còn hơn 70.000 ha, trong đó Đak Lak giảm từ 33.000 ha xuống còn 18.000 ha, Đak Nông từ 20.000 ha giảm còn trên 14.000 ha. Riêng Gia Lai hiện còn khoảng 20.000 ha, tập trung ở các huyện Krông Pa, Ia Grai, Đức Cơ, Kông Chro. Nguyên nhân chính là do các vườn điều đã già cỗi, thoái hóa, năng suất thấp và một phần bị sâu bệnh phá hại. Ngay cả “vương quốc” điều của Gia Lai là huyện Krông Pa có xấp xỉ 5.000 ha năm qua cũng bị bọ xít muỗi, bệnh thán thư và sâu cắn phá 100 ha. Tuy nhiên, diện tích điều của cả nước hiện vẫn đạt 310.000 ha, tập trung ở Tây Nguyên và các tỉnh Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh.

Ảnh internet
Ảnh internet

Hiện giá hạt điều đạt mức 40.000 đồng/kg, vài năm trước cùng thời điểm chỉ ở mức 18.000-20.000 đồng/kg. Trong khi giá cả các loại cây trồng chủ lực của Gia Lai có bước thăng trầm: giá cao su khi trồi khi sụt, cà phê cũng xuống giá và mới đây là hồ tiêu. Tình hình này ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân và nền kinh tế địa phương. Bên cạnh đó, nguồn nước tưới cho vườn cây cũng gặp khó khăn, nhất là khu vực phía Tây của tỉnh… Thế nhưng, với khả năng chịu hạn do có đủ hệ thống rễ cọc và rễ ngang, đặc biệt rễ cọc đâm sâu dưới đất hút nước trong mùa khô kéo dài 5-6 tháng, sinh trưởng và phát triển tốt trên chân đất cao, ít màu mỡ cùng những đặc tính ưu việt khác, cây điều từ lâu đã khẳng định được lợi thế của mình trên vùng đất bazan Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng. Ngay từ những năm cuối thập niên 50 của thế kỷ trước, chính quyền Ngô Đình Diệm đã đưa cây điều vào trồng trên nhiều vùng di dân (dinh điền) của tỉnh thuộc địa bàn huyện Ia Grai, Đức Cơ bây giờ và hầu hết các vườn điều này đều phát triển tốt, cho năng suất cao.

Mấy năm gần đây, từ các nguồn vốn của Trung ương và địa phương thông qua các dự án, đặc biệt là các chương trình mục tiêu quốc gia, tỉnh ta đã thực hiện chuyển đổi và trồng mới hàng ngàn héc-ta điều ghép ở các huyện kể trên. Cây điều ghép đã nhanh chóng tỏ rõ thế mạnh vượt trội của mình bởi vừa dễ trồng, nhanh thu hoạch lại cho năng suất cao, giá ổn định, chu kỳ kinh doanh dài. Đây chính là động lực để người dân tập trung đầu tư thâm canh cây điều ghép, hình thành và phát triển những vùng chuyên canh điều, tạo việc làm và ổn định đời sống cho người lao động như các vùng chuyên canh cà phê, cao su của tỉnh. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp tổ chức rà soát lại diện tích điều thực sinh hiện có; các vườn điều trồng trên đất đồi cao, đất cằn cỗi, địa bàn xa khó quản lý, hướng dẫn người dân chuyển đổi sang trồng rừng kinh tế nhằm tăng hiệu quả sử dụng đất.

Ngày Tết chúng ta ngồi thưởng thức những hạt điều vừa béo, vừa thơm, ít ai nghĩ rằng, để đến được người dùng, chúng đã có một hành trình chế biến khá công phu. Từ hạt thô sau thu hoạch, người ta phơi khô, phân cỡ, hấp đến cắt tách, sấy rồi sau đó chọn cách chế biến như rang (muối, tỏi, ớt), làm sữa, chưa kể đến việc nấu hạt điều với các thức ăn khác như sò điệp, gà, bánh quy, vịt… Nghĩa là từ hạt điều người ta có thể chế biến ra hàng mấy chục món ăn khác nhau luôn hấp dẫn thực khách mọi miền. Cải tạo vườn điều, nâng cao năng lực nhà máy chế biến, có chính sách đầu tư cho nông dân và tổ chức thu mua hợp lý, cùng với giá hạt điều xuất khẩu đã tăng ổn định sẽ trực tiếp tái khẳng định vị trí chủ lực của loại cây trồng này trong nền kinh tế nông nghiệp của địa phương.

Thanh Phong

Baogialai.com.vn

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới