Thứ Tư, 8 Tháng Năm, 2024
Trang chủTin Gia LaiThầy tôi Chữ Anh Đào

Thầy tôi Chữ Anh Đào

Buổi trưa đi đón con sớm, tôi dừng xe dưới gốc bằng lăng ngoài cổng trường và mở túi lấy tờ báo Gia Lai mang theo ra đọc. Phút giây ngập ngừng và lắng đọng khi trước mắt là bài viết “Đôi bờ…” của thầy giáo cũ Chử Anh Đào.

Và trong tôi trở về nguyên vẹn những ngày cuối mùa mưa năm 1994 khi bước chân vào Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai. Điều may mắn với chúng tôi ngày ấy là số sinh viên ít nên thầy-cô giáo đều quan tâm và dành tất cả tâm huyết cho từng bài giảng. Thầy Chử Anh Đào là một trong những nhân cách được lứa sinh viên chúng tôi ngày ấy hết sức kính trọng. Lúc này thầy dạy môn “Hán-Nôm” và sau này thêm môn “Phương pháp giảng dạy Tiếng Việt”.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Điều khiến chúng tôi nhớ nhất có lẽ là sự đúng giờ. Cũng không thể quên những lần thầy nhận nhuận bút hay giải thưởng gì đó và dẫn cả lớp đi ăn củ lang, củ mì ở quán trước cổng trường. Thầy cũng cho chúng tôi cơ hội được giao lưu, gặp gỡ văn nghệ sĩ trong và ngoài tỉnh qua các câu lạc bộ văn học hay những đêm thơ-nhạc theo chủ đề.

Ngoài nghề giáo, thầy còn là hội viên Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Gia Lai. Sau mỗi lần điền dã về, thầy đều chia sẻ với chúng tôi rất nhiều về thực tiễn, về văn hóa dân tộc và tâm lý thanh-thiếu niên Jrai, Bahnar. Đó là những kiến thức bổ ích đầu tiên giúp tôi tránh được sự bỡ ngỡ ban đầu khi về công tác ở Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú huyện Ia Grai.

Ra trường, chúng tôi không có cơ hội gặp gỡ thầy nhiều. Nhưng mỗi lần thấy các bài viết của thầy trên báo hay tạp chí, những sinh viên cũ lại cùng đọc, chia sẻ và thảo luận về những bài viết ấy. Rồi chương trình địa phương được đưa vào nhà trường với các tác phẩm của các nhà văn, nhà thơ trong tỉnh. Mỗi lần giảng đến những tác phẩm của thầy hay giới thiệu các tác giả tiêu biểu, tôi không khỏi tự hào khi “khoe” với học trò đây là thầy giáo của mình. Và học trò tôi cũng ngạc nhiên lẫn khâm phục, ngưỡng mộ vì thầy giáo của cô là nhà văn. Còn nhớ năm ấy, thầy là Phó ban Dân tộc HĐND tỉnh cùng đoàn công tác đi giám sát việc thực hiện chế độ chính sách dành cho học sinh dân tộc thiểu số trường tôi. Sau khi làm việc, tôi cùng thầy ra sân trường để giới thiệu với học trò. Thầy cười rất nhiều khi thấy tôi nói: “Đây là nhà văn Chử Anh Đào bằng xương bằng thịt mà các em đã học tập, tìm hiểu và tưởng tượng”. Nhiều tiếng “ồ”, “à” xen lẫn reo vui những tiếng cười trước một “trực quan sinh động” là thầy.

Tôi thỉnh thoảng được gặp thầy trong các đợt tập huấn, bồi dưỡng hè khi thầy đã là Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai, được thầy tặng sách mới xuất bản kèm theo lời đề tặng trước sự ngỡ ngàng của đồng nghiệp. Tôi đùa: “Thầy ưu tiên giáo viên Trường Dân tộc Nội trú đấy thôi”. Thầy còn hứa tặng tôi cuốn “Từ điển phương ngữ Jrai” do thầy chủ biên nữa.

Mùa hè năm 2017, lớp tôi tổ chức kỷ niệm 20 năm ngày ra trường, thầy đến chung vui và có những lời chia sẻ đầy xúc động. Hạnh phúc của một người thầy ở trường sư phạm có lẽ là đã đào tạo ra rất nhiều những người đứng trên bục giảng, nhất là những ngôi trường vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Tôi nhận thấy niềm vui và hạnh phúc ấy tự trong ánh mắt của thầy.

Rồi một ngày tôi nghe phong thanh tin thầy bệnh. Chưa rõ thực hư thế nào, tôi chỉ lặng lẽ vào facebook của thầy… Cũng không biết nói gì, chỉ cầu mong cho thầy bản lĩnh, lạc quan như chính con người của thầy vậy. Còn chúng tôi, những thế hệ sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai, sẽ tiếp tục mang trong mình ngọn lửa mà thầy đã trao gửi để thắp sáng lên những chân trời tri thức cho đàn em thân yêu.

Nguyễn Thị Bé

Baogialai.com.vn

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới