Thứ Hai, 6 Tháng Năm, 2024
Trang chủThời SựTin sáng 11/3: F0 ở TP.HCM ngồi ở nhà khai báo;...

Tin sáng 11/3: F0 ở TP.HCM ngồi ở nhà khai báo; F1 cách ly cùng F0, test nhanh bao nhiêu lần là đủ?


Sở Y tế TP.HCM cho biết sẽ ứng dụng công nghệ để giảm thủ tục hành chính trong cấp giấy chứng nhận hoàn thành cách ly cho F0; Theo chuyên gia, F1 chỉ cần test nhanh vào khoảng ngày thứ 5-7 sau lần cuối tiếp xúc gần F0 hoặc test sau một vài hôm khởi phát triệu chứng. Việc test thường xuyên thực tế không có nhiều tác dụng.

F1 cách ly cùng nhà với F0, test nhanh bao nhiêu lần là đủ?

Nguyễn Phương Thúy (24 tuổi) đang sống cùng 2 người bạn tại một chung cư mini rộng 40 mét vuông ở Hoàng Mai, Hà Nội. Căn hộ có 1 phòng ngủ, 1 gác xép. Thúy tâm sự, hiện 2 người bạn cùng phòng với cô đã dương tính SARS-CoV-2, cách ly trong phòng ngủ nhỏ. Thúy là F1, cách ly trên gian gác xép.

Lo lắng về nguy cơ lây nhiễm, hàng ngày, Thúy chỉ xuống khu sinh hoạt chung (nhà vệ sinh, bếp nấu) khi các bạn đã vào phòng riêng. Cô cũng nhờ người quen mua giúp các que test nhanh về để test thường xuyên. Thúy hiện chưa có triệu chứng bệnh, tự xét nghiệm mỗi ngày 1-2 lần, tới nay 5 lần kết quả đều âm tính.

“Tôi có một số bệnh nền, lại mới tiêm 1 mũi vắc xin nên trường hợp mắc bệnh chắc sẽ nhiều nguy cơ về sức khỏe. Tôi cố gắng theo dõi thật kỹ như vậy, nếu dương tính thì phải phát hiện được sớm để nhờ bác sĩ tư vấn”, cô chia sẻ.

Theo bác sĩ Lê Văn Thiệu, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, thực tế F1 cách ly cùng nhà với F0 không cần thiết phải test quá nhiều lần.

Bác sĩ Thiệu cho biết, về nguyên tắc, khi không có triệu chứng (kể cả đang trong giai đoạn ủ bệnh) thì việc test nhanh cũng khó lên vạch. Thậm chí, những ngày đầu khi mới khởi phát triệu chứng, do nồng độ virus còn rất thấp, test nhanh sẽ chưa hiện kết quả dương tính. Que test nhanh xuất hiện vạch mờ tức lúc này nồng độ virus của người bệnh đã cao, virus nhân lên đủ số lượng để độ nhạy của test có thể nhận ra.

Vì vậy, việc test thường xuyên cũng không có nhiều tác dụng. F1 chỉ nên test vào khoảng ngày thứ 5-7 sau lần cuối tiếp xúc gần F0 để khẳng định mình có nhiễm bệnh hay không (đã loại trừ cả trường hợp nhiễm bệnh không triệu chứng) hoặc test sau một vài hôm khởi phát triệu chứng.

Tuy nhiên, bác sĩ cũng lưu ý nếu trong điều kiện có tiền sử tiếp xúc với F0 rất rõ ràng (đặc biệt là thành viên cùng gia đình), sau đó khởi phát triệu chứng của COVID-19 thì khả năng dương tính gần như chắc chắn. Khi ấy, người bệnh có thể không cần cố test, sẽ gây lãng phí, không cần thiết.

F0 ở TP.HCM gia tăng, ngồi ở nhà khai báo và nhận quyết định hết cách ly

Tin sáng 11/3: F1 cách ly cùng nhà F0, test nhanh bao nhiêu lần là đủ?; - Ảnh 2.

Hệ thống quản lý người bệnh COVID-19 của Sở Y tế TP HCM.

Trước tình hình người mắc COVID-19 (F0) tụ tập tại các trạm y tế lưu động để xin giấy xác nhận F0 và hoàn thành cách ly tại nhà để giải quyết thủ tục hưởng chế độ nghỉ bệnh và các yêu cầu khác, ngày 10/3, Sở Y tế TP.HCM cho biết sẽ ứng dụng công nghệ để giảm thủ tục hành chính trong cấp giấy chứng nhận hoàn thành cách ly cho F0.

Theo đó, để giảm thủ tục hành chính trong việc cấp giấy xác nhận hoàn thành cách ly đối với F0 trong thời gian tới, Sở Y tế TP.HCM cho biết sẽ triển khai thêm tính năng cấp giấy hoàn thành cách ly trên Hệ thống quản lý Bệnh nhân COVID-19.

F0 tăng cao, nhiều phụ huynh ở TP.HCM chưa cho trẻ đến trường

Tin sáng 11/3: F1 cách ly cùng nhà F0, test nhanh bao nhiêu lần là đủ?; - Ảnh 2.

Phụ huynh lo lắng khi đưa trẻ dưới 3 tuổi đến trường. Ảnh: Phương Lâm.

Khi dịch diễn biến phức tạp tại TP.HCM, chị Nguyễn Kim Trang (28 tuổi, Gò Vấp) đã gửi con hơn 2 tuổi về tỉnh Vĩnh Long cho ông, bà chăm sóc. Chị và chồng đều là nhân viên y tế nên không muốn mạo hiểm để con ở lại tâm dịch khi đó.

Hiện, dù đã đón bé Tít (con trai chị Trang) về lại thành phố, nhưng vợ, chồng chị Trang vẫn phải nhờ ông bà nội, ngoại luân phiên lên giữ cháu. Cả nhà thống nhất chưa cho Tít đi học vào thời điểm này. Cậu bé vẫn còn quá nhỏ để có thể hiểu được phòng dịch là gì hay biết các biện pháp sát khuẩn.

“Tôi đắn đo khi thấy ông, bà cực nhọc, phải trông cháu suốt nhưng cũng không an lòng cho con đi học lúc này. Ông, bà cũng bảo trông cháu cứng cáp thêm rồi đi học cũng chưa muộn”, chị Trang nói.

Nỗi lòng của chị Trang cũng là điều nhiều phụ huynh ngần ngại khi TP.HCM cho phép các cơ sở mầm non đón trẻ dưới 3 tuổi trở lại trường từ 1/3.

F0, F1 ở TP.HCM, Long An được đi làm trên tinh thần tự nguyện

Tin sáng 11/3: F1 cách ly cùng nhà F0, test nhanh bao nhiêu lần là đủ?; - Ảnh 3.

Công nhân tại một xưởng may mặc ở Long An

UBND tỉnh Long An vừa ban hành văn bản quy định tạm thời các trường hợp F0, F1 đang trong thời gian cách ly được tham gia làm việc để thực hiện nhiệm vụ quan trọng và cấp bách của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhằm tiếp tục triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch trong trạng thái “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.

Theo đó, các trường hợp F0 (không triệu chứng), F1 là cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động trong tổ chức, cơ quan, đơn vị nhà nước trên địa bàn tỉnh, được đến cơ quan làm việc để thực hiện nhiệm vụ quan trọng và cấp bách của cơ quan, đơn vị trên tinh thần tự nguyện và phải có sự đồng ý của thủ trưởng hoặc cấp trên trực tiếp của cơ quan, đơn vị.

Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, công ty, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang trong tình trạng thiếu hụt nguồn lao động, nếu không bổ sung kịp thời sẽ không hoàn thành các hợp đồng giao hàng cho đối tác đúng thời gian quy định… được phép sử dụng lao động của công ty đang là F0 (không triệu chứng), F1 đang trong thời gian cách ly để làm việc.

UBND tỉnh cũng quy định việc sử dụng lực lượng lao động này phải dựa trên tinh thần tự nguyện của người lao động, được sự đồng ý của chủ doanh nghiệp và theo hướng dẫn của Trung tâm Y tế cấp huyện hoặc cấp xã (khi được Trung tâm Y tế cấp huyện phân công).

Các cơ quan, đơn vị, địa phương và doanh nghiệp có thể xem xét ưu tiên bố trí cho các trường hợp này thực hiện các công việc trực tuyến. Trường hợp không làm việc trực tuyến được sẽ được bố trí làm việc trực tiếp tại nơi làm việc, đảm bảo không tiếp xúc trực tiếp với người xung quanh.

Trao đổi với PV VietNamNet sáng 10/3, ông Nguyễn Thành Thanh – Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Long An cho biết, ngay sau khi nhận được văn bản của tỉnh, đơn vị đã triển khai thực hiện xuống các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, vì đây là văn bản dựa trên tinh thần tự nguyện chứ không phải ép buộc nên các công ty sẽ tùy theo thực tế, đảm bảo an toàn hay không để thực hiện.

Theo ông Thanh, Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh đang quản lý 1.563 DN với lượng lao động khoảng 177.000 người. Hiện nay, lượng nhân sự tại các DN có thiếu nhưng không đến nỗi trầm trọng, bởi trong thời gian phục hồi sản xuất vừa qua, công nhân từ các địa phương đã lên làm việc gần hết.

Với chính sách chấp nhận F0, F1 đi làm trên tinh thần tự nguyện của tỉnh, cơ quan quản lý sẽ xem tính hiệu quả sau thời gian áp dụng để có điều chỉnh. Mấu chốt ở đây là ý thức tuân thủ 5K trong phòng, chống dịch của người lao động.

Tại cuộc họp giao ban định kỳ với các quận, huyện, sở, ngành về tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn TP.HCM vào sáng 9/3, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi cho rằng, việc F1 có đi làm, nên bổ sung trong Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch tại cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Theo đó, tinh thần là F1 không có vấn đề về sức khỏe và có sự đồng thuận có thể đi làm. Riêng trường hợp F0 thì vẫn phải thực hiện cách ly. Nhưng nếu F0 không có triệu chứng, không có vấn đề sức khỏe và tự nguyện thì có thể duy trì cách làm việc, thời gian phù hợp.

Thái Nguyên ghi nhận ‘ngày F0 tử vong nhiều nhất’ kể từ đầu dịch

Thái Nguyên có 7 ca nhiễm COVID-19 (F0) tử vong trong ngày 9.3 và đây là ngày có số lượng F0 tử vong nhiều nhất từ trước đến nay, tính từ khi địa phương này có dịch COVID-19.

Trao đổi với Thanh Niên chiều 10/3, ông Hoàng Anh, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Nguyên (CDC Thái Nguyên), cho biết trong ngày 9.3, địa phương này ghi nhận liên tiếp 7 F0 tử vong.

Nếu tính từ khi địa phương này ghi nhận có ca nhiễm COVID-19 đầu tiên thì đây đây là ngày ghi nhận số ca F0 tử vong nhiều nhất.

Ngày 10/3, Thái Nguyên đã có thêm 2 F0 tử vong . Thống kê từ đầu năm đến nay, Thái Nguyên đã có 86 người tử vong do COVID-19.

Cũng theo ông Hoàng Anh, các dữ liệu thu thập từ đầu năm đến nay, các F0 tử vong chỉ chiếm tỉ lệ rất thấp, sơ bộ chỉ khoảng 0,5%. Đa số các F0 tử vong đều rơi vào trường hợp người cao tuổi, bị nhiễm COVID-19 khi cơ thể đã có sẵn rất nhiều bệnh nền.

“Siêu vaccine” cho người thuộc nhóm nguy cơ đã có mặt tại Việt Nam

Tin sáng 11/3:  F0 ở TP.HCM ngồi ở nhà khai báo; F1 cách ly cùng F0, test nhanh bao nhiêu lần là đủ? - Ảnh 5.

Người bệnh nền, người cao tuổi… được tiêm vaccine ngừa COVID-19 (Ảnh Phong Lan)

Hệ thống bệnh viện này sẽ đưa kháng thể đơn dòng Evusheld để tiêm cho nhóm người nguy cơ cao mắc COVID-19 nặng.

Cụ thể, kháng thể đơn dòng Evusheld của AstraZeneca sẽ được tiêm cho những người mắc bệnh nền như suy gan, suy thận, tim mạch, cơ xương khớp, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính- COPD… Đặc biệt là người bị suy giảm miễn dịch vừa và nặng (do HIV, đang điều trị ung thư, ghép tạng…) hoặc mắc các bệnh hệ thống (lupus ban đỏ, viêm khớp, thoái hoá khớp…).

Khác với vaccine, chỉ vài giờ sau khi tiêm Evusheld, cơ thể đã có đủ lượng kháng thể cần thiết để bảo vệ không mắc COVID-19 với hiệu quả lên tới 83% và không có trường hợp nào bệnh nặng hay tử vong trong suốt 6 tháng theo dõi, theo kết quả nghiên cứu PROVENT của AstraZeneca. Hiệu quả này được quan sát thấy ở cả những người bị suy giảm miễn dịch do bệnh lý hoặc đang sử dụng các thuốc hoặc phác đồ điều trị ức chế miễn dịch và có thể không tạo được đáp ứng miễn dịch với vaccine phòng COVID-19 như: người cấy ghép tạng, ung thư, HIV, đang điều trị thuốc ức chế miễn dịch (ví dụ như dùng corticoid liều cao, kéo dài) hoặc đã điều trị trong vòng 6 tháng…

Hệ thống Bệnh viện đa khoa Tâm Anh cho biết, tài liệu từ nhà sản xuất cho thấy, kể cả những người không thể tiêm bất kỳ loại vaccine COVID-19 nào hiện có vì từng xảy ra tác dụng nghiêm trọng với bất kỳ thành phần của vaccine COVID-19 như: dị ứng nặng, sốc phản vệ… vẫn được chỉ định tiêm. Evusheld được chứng minh có hiệu quả phòng ngừa ít nhất 6 tháng, đặc biệt có thể phòng ngừa cả biến chủng Omicron.

F0 khỏi bệnh, tại sao vẫn ho dai dẳng tưởng chừng “bay cả lồng ngực”?

Bác sĩ Hoàng Sơn, thành viên nhóm bác sĩ quân y hỗ trợ online chăm sóc điều trị F0 tại nhà cho biết, nhiều người sau âm tính với SARS-CoV-2 vẫn ho dai dẳng. Một số nguyên nhân được bác sĩ Sơn đưa ra gồm do phản xạ tống xuất đào thải “xác” virus, niêm mạc đường hô hấp đã liền sau viêm nhưng hình thành “sẹo” vẫn dễ gây kích thích vào đầu mút dây thần kinh nên 1 kích thích nhỏ đã gây ra cơn ho, hoặc có thể do trào ngược dạ dày hậu quả của việc dùng thuốc trước đó gây tổn thương dạ dày.

Ngoài ra, nhiều F0 ho nhiều sau âm tính do tổn thương xơ của phế quản phổi hoặc các yếu tố tiền sử có hen suyễn.

Theo bác sĩ Sơn, hầu hết người bệnh ho sau khỏi Covid-19 không cần dùng thuốc, chỉ tập phục hồi chức năng với các bài tập làm tăng dung tích phổi hoặc dùng các thuốc ho thảo dược, các bài thuốc dân gian như ngậm chanh mật ong.

“Người bệnh nên đi khám khi có biểu hiện đau tức ngực, khó thở và chỉ số SpO2 thấp hơn bình thường (dưới 96%) hoặc ho kéo dài trên 3-4 tuần”, bác sĩ Sơn tư vấn.

Nhiều bệnh viện lo thiếu nhân lực do y, bác sĩ mắc COVID-19

Tin sáng 11/3:  F0 ở TP.HCM ngồi ở nhà khai báo; F1 cách ly cùng F0, test nhanh bao nhiêu lần là đủ? - Ảnh 6.

Nhiều y bác sĩ mắc COVID-19 nhưng triệu chứng nhẹ nên xin tình nguyện chăm sóc cho người bệnh. Ảnh minh họa)

Có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 và có triệu chứng nhẹ, kỹ thuật viên Nguyễn Ích Thưởng, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội tình nguyện ở lại cơ cở 2 để tham gia điều trị bệnh nhân F0 nặng. Từ sau Tết nguyên đán đến nay, khoảng 50% số y, bác sỹ của bệnh viện mắc COVID-19, nếu ai cũng xin nghỉ làm thì sẽ thiếu nhân lực điều trị cho bệnh nhân.

“Tôi đang làm công việc phục hồi chức năng cho bệnh nhân COVID-19 tại cơ sở 2. Bản thân tôi nhiễm COVID-19 nhưng triệu chứng nhẹ nên tôi xin tình nguyện vào đây chăm sóc cho người bệnh, chia sẻ với những vất vả với các đồng nghiệp…” – anh Thường nói.

Không bắt buộc doanh nghiệp và người lao động thực hiện việc test nhanh COVID-19

Tin sáng 11/3: F1 cách ly cùng nhà F0, test nhanh bao nhiêu lần là đủ?; - Ảnh 3.

UBND tỉnh Long An ban hành quy định tạm thời các trường hợp F0, F1 đang trong thời gian cách ly được tham gia làm việc để thực hiện nhiệm vụ quan trọng và cấp bách. Ảnh: Báo Long An

Cũng trong ngày 9/3, Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Long An, Sở Y tế, Công an tỉnh, UBND huyện Cần Đước đến làm việc với lãnh đạo khu công nghiệp (KCN) Cầu Tràm, yêu cầu dừng việc test nhanh với lao động mới xin việc và tài xế từ nơi khác đến.

Trước tình hình doanh nghiệp phản ánh Khu công nghiệp (KCN) vẫn yêu cầu test nhanh COVID-19 đối với người ngoài vào trong KCN, Chủ tịch UBND tỉnh Long An – Nguyễn Văn Út đã chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan làm việc với Ban quản lý KCN, yêu cầu phải dừng ngay việc test nhanh để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thực hiện việc phát triển, tìm kiếm lao động.

K.N (th)

Nguồn: Giadinh.suckhoedoisong.vn

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới