Thứ Năm, 9 Tháng Năm, 2024
Trang chủTin Gia LaiTôi làm tour guide trong Tết

Tôi làm tour guide trong Tết

Tết này có khá đông khách du lịch các nơi đổ về Pleiku chơi Xuân. Tôi cũng có một số bạn, chưa gặp nhau bao giờ, thông qua facebook nhờ tư vấn chỗ chơi chỗ thăm. Và thế là tôi trở thành tour guide (hướng dẫn viên du lịch) bất đắc dĩ.

Có lẽ họ đã đọc một số bài viết của tôi về Tây Nguyên, nhất là mấy bài tôi tả hành trình thiết kế và cùng tham gia cuộc đi của 2 đoàn các anh chị từ Hà Nội vào, một là đoàn gần 20 người là cựu sinh viên K18 Khoa Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội, giờ là các nhà văn, nhà báo, các giáo sư, phó giáo sư nổi tiếng và 2 là đoàn của các anh chị là con em của cán bộ, phóng viên Báo Nhân Dân thời chiến tranh, học chung mẫu giáo, sơ tán về cùng chung một làng, giờ cũng là các nhà báo.

Phở khô Gia Lai.     Ảnh: internet
Phở khô Gia Lai. Ảnh: internet

25 Tết, inbox của tôi nhận được tin nhắn: “Em đã book vé ngày mùng 2 bay vào Pleiku, mùng 5 bay ra, muốn được thưởng thức, thăm thú hết Pleiku, nhờ anh giúp. Đặc biệt em muốn thưởng thức cà phê siphon 24, lá mì cà đắng, dã quỳ và cỏ hồng…”.

Rất bận, nói thật thế, bao nhiêu việc đã chuẩn bị, nhưng rồi thấy mình không thể không giúp bạn ở xa đã quý mến nơi mình đang ở, quý chữ của mình (đọc rồi thực hiện ngay), nên tôi đã bỏ thời gian ra thiết kế chương trình cho những người bạn chưa bao giờ gặp nhau này, chưa biết mặt ngang mũi dọc này. Khuya mùng 4 Tết, tin nhắn cuối cùng từ bạn này: “Cảm ơn anh rất nhiều, tụi em (5 người lớn và 1 trẻ em) đã có một chuyến đi hết sức thú vị. Lái xe anh chỉ cho bọn em thuê cũng rất hay, lái xe cẩn thận hơn cả mình lái xe nhà mình. Chỉ tiếc tụi em đã không được thưởng thức cà phê 24 pha kiểu siphon vì quán không mở cửa dù 10 giờ đêm tụi em vẫn kêu taxi xông đến. Giờ nhờ anh giúp em việc cuối cùng, ấy là hôm qua tụi em mua vú sữa ở cổng vào Biển Hồ rất ngon, giờ muốn mua mang về Hà Nội, 3 giờ đêm tụi em đã lên chợ đêm không có, 9 giờ 30 phút sáng mai tụi em bay, anh có mối chỉ giúp để tụi em mua đóng thùng chở về”. Tôi đã phải hỏi vợ và vài người nữa nhưng ai cũng bảo: Chưa đến mùa nên rất hiếm. Nếu biết trước nhắn xuống Ayun Pa nhờ mua gửi lên thì được chứ giờ thì không kịp.

Thấy gì từ cuộc đi của mấy bạn này và các bạn khác từ các nơi đến Pleiku?
Thứ nhất là những thứ mình thấy rất bình thường thì nó là đặc sản.

Tôi từng viết nhiều về Biển Hồ, có một chi tiết nhắc đi nhắc lại là sự đơn điệu của nó, phóng xe vào tận nơi, ngắm tí, chụp vài bức ảnh, rồi quay ra. Nhưng các bạn nơi khác đến thì hết sức thích thú và ngạc nhiên. Trên cao nguyên gần một ngàn mét so với mực nước biển lại có một cái hồ trong veo sạch sẽ đến thế, như một cái hồ treo trên núi. Giữa thành phố bụi bặm, gặp một “tòa thiên nhiên” như thế không sướng mới lạ. Nhưng giá như có người am hiểu giới thiệu tại chỗ, hoặc những bảng hướng dẫn, thông báo về sự tích, về hiện trạng (tất nhiên phải chính xác, khoa học, có tình có lý chứ không phải thích đâu… giải đấy) thì sẽ thú vị hơn nhiều. Cũng như thế, là dã quỳ, là cỏ hồng, là những ngôi làng trong phố, là những hàng cây, những con dốc… tất cả đều là những điều mới lạ, hấp dẫn đối với du khách, vấn đề là ta tận dụng chúng ra sao.

Thứ hai là cần có những hướng dẫn cụ thể, chính xác.

Đơn giản nhất là món… phở khô. Hàng trăm quán phở khô nhưng không phải quán nào cũng là… phở khô. Và cách ăn nữa. Tôi chứng kiến rất nhiều người dẫn khách đi ăn, mục đích là giới thiệu đặc sản, nhưng cứ… cắm cúi ăn, kệ khách loay hoay. Kết quả, đa phần thấy… phức tạp quá, thế là, đổ ụp bát nước vào. Trời ạ, nó biến thành một thứ rất… hổ lốn, bởi nếu ăn phở nước thì phải kêu ngay từ đầu để chủ quán làm, chứ ụp vào thế nó hư bột hư đường hết.

Mới nhất tôi vừa phải làm một việc bất đắc dĩ ở quán phở khô có thể nói là ngon nhất Pleiku hiện nay, bởi phở nhúng xong rất rời và dai, nước ngọt và đặc biệt là thịt bò thái tay mỏng tang mà to bản nên rất mềm và ngọt, là quán Hạnh 333 trong hẻm Nguyễn Đình Chiểu thông sang Lý Tự Trọng. Hẻm mà luôn nghìn nghịt khách. Ấy là bàn bên cạnh có 3 ông khách, nhìn biết ngay lần đầu ăn phở khô, cứ loay hoay và sắp đến đoạn đổ ụp nước vào thì tôi… bước tới, hướng dẫn họ, đầu tiên cho chút tương và xì dầu vào, tí giá vào, rồi dùng đũa… xới cật lực, ý như ngày xưa chúng ta phơi rơm phải xới cho đều ấy, bao giờ thật đều, thật rời, không còn cục, mới ăn.

Và như thế thì phải làm được việc thứ 3, ấy là làm sao để mỗi người dân sở tại phải là một hướng dẫn viên. Vừa thân thiện lại phải vừa am hiểu. Điều này Lâm Đồng, Huế, Đà Nẵng…, thậm chí Kon Tum đã làm rất tốt. Pleiku hình như chưa phổ cập được, hay chính xác chưa ai phát động, yêu cầu, hướng dẫn… nên nhiều khi muốn “ra tay” cũng ngại, như tôi ban đầu cũng rất ngại khi tự tiện bước sang bàn giới thiệu cách ăn phở khô cho mấy vị khách lạ nọ…

Văn Công Hùng

Baogialai.com.vn

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới