Chủ Nhật, 19 Tháng Năm, 2024
Trang chủThời SựTranh cãi quy định Giấy phép hành nghề khám chữa bệnh chỉ...

Tranh cãi quy định Giấy phép hành nghề khám chữa bệnh chỉ có thời hạn 5 năm

Nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu các quy định liên quan đến giấy phép hành nghề khám chữa bệnh, bởi quy định giấy phép khám bệnh, chữa bệnh chỉ có thời hạn 5 năm là bất cập, gây tốn kém cho y bác sĩ.

Nhiều bệnh nhân phải mang ngoại tệ ra nước ngoài để khám chữa bệnh

Sáng 24.10, thảo luận góp ý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho rằng, nhiều cán bộ y tế xin nghỉ việc, việc các bệnh viện lớn có danh tiếng luôn trong tình trạng quá tải vì được đông đảo khách hàng lựa chọn, nhưng lại xin thôi tự chủ là một sự thất bại của chính sách trong cơ chế quản lý đối với bệnh viện công lập.

Phần lớn các y bác sĩ đều mong muốn bệnh viện có đầy đủ các trang thiết bị hiện đại, thuốc và vật tư đúng chủng loại để các thầy thuốc được toàn quyền lựa chọn thực hiện các phác đồ điều trị hữu hiệu nhất, không bị giới hạn bởi các ràng buộc khống chế về chi phí, danh mục các loại thuốc và thiết bị.

Nhiều bệnh nhân mong muốn và sẵn sàng chi trả viện phí cao để được khám, chữa và điều trị trong điều kiện tốt nhất tại các bệnh viện công lập. Nhưng vì không được đáp ứng, nên họ phải mang ngoại tệ ra nước ngoài, hoặc là phải sang khám, điều trị tại bệnh viện tư hoặc các bệnh viện quốc tế, chỉ vì một điều kiện là họ thiết bị hiện đại hơn.

Tất cả những vấn đề nêu trên đều xuất phát từ nguyên nhân căn bản là cơ chế quản lý đang trói buộc, chưa cho phép các bệnh viện khai thác phát huy hết các tiềm năng, lợi thế vốn có của mình.

Do vậy, ông Hoàng Văn Cường đề nghị cần nghiên cứu bổ sung vào dự thảo Luật Khám, chữa bệnh sửa đổi lần này quy định về tự chủ của bệnh viện công, tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập nói chung, các đơn vị y tế công lập nói riêng.

Góp ý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh, đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) cho rằng cần làm rõ mối quan hệ giữa cơ sở y tế công lập và tư nhân.

Điển hình như các quy định về cơ sở khám chữa bệnh công lập, xã hội hóa, giá dịch vụ, phân cấp chuyên môn, giấy phép hành nghề, khám, chữa bệnh từ xa, dinh dưỡng trong khám, chữa bệnh… Đây là những vấn đề mới nhưng vẫn chưa làm rõ trong dự thảo luật.

Đại biểu Tạ Văn Hạ. Ảnh: Qh
Đại biểu Tạ Văn Hạ. Ảnh: QH

Đại biểu Tạ Văn Hạ lấy ví dụ quy định về phân cấp, trước đây tiến hành phân cấp theo tuyến nhưng dự thảo luật phân cấp theo chuyên môn kỹ thuật, trong đó có 3 cấp: cấp ban đầu, cấp cơ bản và cấp chuyên sâu.

Đại biểu đồng tình với việc phân cấp này và khẳng định đây là nội dung mới trong dự thảo luật, nhưng nhiều nội dung chưa quy định chưa rõ. Ban soạn thảo chưa làm rõ mối quan hệ giữa của các cấp bệnh viện như thế nào, từ cái cấp ban đầu lên cấp cơ bản, đến cấp chuyên sâu?; mối quan hệ giữa cơ sở công lập và tư nhân? Chính sách của Nhà nước đối với từng cấp này được quy định cụ thể ra sao?

Đại biểu Tạ Văn Hạ cũng đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu các quy định liên quan đến giấy phép hành nghề. Trước đây quy định cấp một lần, nhưng hiện nay có thời hạn 5 năm và giao Hội đồng y khoa quốc gia là cơ quan đánh giá sát hạch; điều này gây tốn kém và cần làm rõ mô hình của Hội đồng y khoa quốc gia trực thuộc cơ quan nào?

Hiểu đúng quy định cấp giấy phép hành nghề thời hạn chỉ còn 5 năm

Tranh luận với đại biểu Tạ Văn Hạ về việc cấp giấy phép hành nghề thời hạn chỉ còn 5 năm sẽ gây tốn kém, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Đoàn ĐBQH Bình Định) cho rằng, cần phải hiểu đúng nội dung này.

Theo đó, sau 5 năm kể từ thời điểm được cấp phép hành nghề nếu như hành nghề tham gia đủ các khóa đào tạo liên tục, đạt đủ điểm số theo quy định thì sẽ được tự động gia hạn giấy phép hành nghề. Theo đại biểu “đây là thông lệ của thế giới và nên ủng hộ, tuy nhiên cần tổ chức thực hiện cho đúng”.

Tranh luận với nhiều ý kiến đại biểu về Hội đồng y khoa quốc gia, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cho rằng, đây là quy định tiến bộ rõ rệt trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi lần này và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu. Ảnh: Qh
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu. Ảnh: QH

Theo đại biểu, trong giai đoạn đầu tiên nên quy định Chính phủ bổ nhiệm người đứng đầu Hội đồng Y khoa, Bộ Y tế cung cấp hệ thống vận hành, Hội đồng Y khoa hoạt động độc lập nhưng cần bổ sung chức năng tổ chức giám sát, đào tạo liên tục và đặc biệt là chức năng phân xử đúng sai trong các tai biến y khoa.

Về hợp tác công tư, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cho biết các hình thức cho vay, cho thuê, mua trả chậm, tài trợ liên kết với tổ chức nước ngoài… đã được ban soạn thảo tiếp thu rõ ràng, tuy nhiên cần quy định thêm về hợp tác phi lợi nhuận.

Theo đó, nhà đầu tư sẽ bỏ tiền để xây dựng và các cơ sở công lập sẽ sử dụng tiền lãi tiếp tục tái đầu tư cho phục vụ hoạt động nhân đạo.

Nguồn: laodong.vn

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới