Thứ Ba, 7 Tháng Năm, 2024
Trang chủDu Lịch Gia laiĐể kéo du khách về với Chư Đăng Ya

Để kéo du khách về với Chư Đăng Ya

“Dập dìu tài tử giai nhân” đến với lễ hội hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đăng Ya năm 2017. Tuy không được no mắt với sắc vàng rực rỡ dã quỳ nhưng bù lại du khách được tận hưởng không khí của làng buôn Jrai vào hội với giai điệu cồng chiêng cùng đêm lửa trại nồng ấm, được thưởng thức bữa tiệc ẩm thực của cư dân bản địa. Du khách còn được một lần leo núi để in dấu chân mình lên lớp dung nham cả triệu năm tuổi và nhìn ngắm miệng núi lửa Chư Đăng Ya huyền thoại.

Người ta kể rằng, vùng Chư Đăng Ya xưa kia bao bọc cả miền đất rộng lớn, có núi cao, hồ sâu kéo dài từ Biển Hồ (hồ Ia Nueng) qua khỏi làng Ia Gri ngày nay, là môi trường tự nhiên lý tưởng cho muôn loài cư trú. Con người và thiên nhiên bấy giờ chung sống rất ôn hòa. Về cơ cấu địa chất, chúng ta thấy một loạt các miệng núi lửa đã tắt nằm trên trục Bắc-Nam ở cao nguyên Pleiku, nổi bật là ngọn Chư Hdrông (Hàm Rồng) và Chư Đăng Ya ở 2 đầu (núi lửa dương); nằm giữa 2 ngọn núi này là hồ Ia Nueng (núi lửa âm). Thiên nhiên đã tạo nên sự cân đối âm-dương khá hài hòa, hình thành thế đất thịnh vượng cho con cháu mai sau.

Núi Chư Đăng Ya. Ảnh: internet
Núi Chư Đăng Ya. Ảnh: internet

Với con mắt “nhà nghề” trong việc khảo cứu địa chất, sau khi đặt ách đô hộ lên Tây Nguyên, thực dân Pháp đã chọn 2 vùng đắc địa để lập đồn điền phát triển nông nghiệp, đó là Bàu Cạn nằm dưới chân núi Hàm Rồng và Biển Hồ Trà nằm chen giữa Biển Hồ và Chư Đăng Ya. Theo di chỉ khảo cổ học, vùng Biển Hồ chứa đựng vết tích cư trú của cư dân cổ cuối thời đại đá mới cách ngày nay gần 4.000 năm. Đến đầu thế kỷ XX, những người Kinh đầu tiên từ đồng bằng Duyên hải miền Trung mới có mặt tại các đồn điền Bàu Cạn, Biển Hồ Trà, sau đó các gia đình đã di cư lên vùng đất mới lập nên các làng Tiên Sơn, Ngô Trang… Trong vùng lõm này đến nay còn lại 2 cơ sở tôn giáo xuất hiện khá sớm ở cao nguyên Pleiku.

Đầu tiên là chùa Bửu Minh, cách trung tâm Pleiku khoảng 15 km, nằm lọt trong khuôn viên vùng Biển Hồ Trà. Ngày xưa, nơi đây những người Kinh xây dựng miếu thờ thần, gọi là Sơn Hải Miếu ở làng Cỏ May, sau đồng bào Phật tử mới vận động dựng chùa, đổi tên thành chùa Phật Học và ngày nay là chùa Bửu Minh.

Cơ sở thứ hai là nhà thờ Tiên Sơn (xã Tân Sơn, TP. Pleiku) hình thành cách nay hơn 100 năm. Theo các giáo dân ngụ cư qua nhiều thế hệ thì vùng đất này khá màu mỡ, đem lại cuộc sống ấm no cho dân lành. Dọc theo những triền đồi núi nhấp nhô, người ta khai phá hàng trăm héc-ta đất lập vườn, trang trại trồng cà phê, tiêu và nhiều loại nông sản khác đem lại nguồn lợi lớn.

Ông Phan Văn Hay (81 tuổi, ở thôn Ngô Trang) từ Bình Định lên định cư nơi đây sau ngày giải phóng. Ông cho biết: Ngày trước, vùng đất này còn khá hoang hóa, rừng núi rậm rạp bao bọc xung quanh, cây cổ thụ bạt ngàn trên núi Chư Đăng Ya, đi làm rẫy đến 3 giờ chiều là phải rút khỏi núi. Chim trời cá nước còn vô số, người dân địa phương sống gắn bó với rừng. Khi đập Biển Hồ Trà hình thành thì vùng nước mở rộng, người dân bắt đầu trồng lúa vụ Đông Xuân, thu hẹp dần vùng lúa khô hạn. Nguồn thủy sản tự nhiên cũng sinh sôi nảy nở. Đến mùa cá chép đẻ trứng, chúng kéo nhau về từng đàn, quẫy lộng cả sa nước cạn, có con bắt về dài cả mét, béo ngậy… Ngày nay, rừng núi đã trở nên trơ trọi bởi sự tàn phá của con người, ngay cả ngọn Chư Đăng Ya chỉ còn là triền đồi lỗ chỗ những khoảnh đất người dân khai phá trồng dong riềng và bí đỏ, khoai lang. Vùng đất tươi tốt năm nào dần dần bị bào mòn rửa trôi qua những mùa mưa dài vì rừng đã mất.

Vì vậy, trước hiện trạng đó, quy hoạch du lịch cần có cái nhìn tổng thể và tạo ra những điểm nhấn, đồng thời có sự liên kết, xâu chuỗi những chặng hành trình ở các địa phương khác nhau. Cụ thể, nếu xây dựng tour Chư Đăng Ya và lấy việc leo núi, thưởng ngoạn hoa dã quỳ làm điểm nhấn thì cần hình thành tour liên hoàn, kết nối với đồi thông Đak Đoa-vùng trà Catecka-Biển Hồ Trà-hồ Ia Nueng. Phải xây dựng được cơ sở hạ tầng theo kiểu homestay tại các buôn Jrai ở Chư Đăng Ya để giữ chân du khách; hợp đồng với người dân quanh vùng để quy hoạch, bảo vệ loài hoa dã quỳ tự nhiên, tạo nên những thảm hoa rực rỡ dưới chân và quanh triền núi Chư Đăng Ya khi vào mùa, biến nơi đây thành không gian lý tưởng thu hút du khách đến thưởng ngoạn; tổ chức những điểm đón khách trên đỉnh và trong lòng chảo núi lửa vào mùa nắng, khi hoa dong riềng trồng đơm bông, cũng như mùa dã quỳ khoe sắc.

Bùi Quang Vinh

Baogialai.com.vn

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới