Thứ Hai, 29 Tháng Tư, 2024
Trang chủTin Gia LaiGia Lai: Tranh chấp do mua bán đất bằng giấy viết tay

Gia Lai: Tranh chấp do mua bán đất bằng giấy viết tay

Mới đây, Báo Gia Lai tiếp nhận đơn kiến nghị của vợ chồng chị Bùi Thị Quỳnh (trú tại thôn Phố Hiến, xã Ia Lâu, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) về việc gia đình mua đất canh tác được 5 năm thì bỗng nhiên bị con của chủ đất đòi lại không cho canh tác nữa. Qua tìm hiểu của P.V, nguyên nhân dẫn đến tranh chấp xuất phát từ việc mua bán đất bằng giấy viết tay.

Theo nội dung đơn, ngày 15-5-2015, ông Trần Văn Hiến (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông) chuyển nhượng cho vợ chồng chị Quỳnh 2 lô đất nông nghiệp có tổng diện tích 13.500 m2 tại thôn Phố Hiến (xã Ia Lâu) với giá 135 triệu đồng. Khi chuyển nhượng, hai bên có viết tay giấy nhận tiền. Ông Hiến cũng nói với vợ chồng chị Quỳnh sẽ hoàn tất thủ tục sang tên chứng nhận quyền sử dụng đất cho gia đình chị.

Đến năm 2017, ông Hiến đưa cho vợ chồng chị Quỳnh 2 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (bìa đỏ) số AI 488686 do ông Dương Đức Chuyên và bà Dương Thị Xuân (thôn Phố Hiến) đứng tên với diện tích 9.000 m2 cùng bìa đỏ số BC 076426 do ông Phạm Văn Thẩm và bà Dương Thị Hường (thôn Phố Hiến) đứng tên với diện tích 2.447 m2.

Làm việc với chúng tôi, chị Quỳnh cho biết: Sau khi mua đất, gia đình đã bỏ ra gần 70 triệu đồng san ủi, cải tạo để trồng cây ăn quả và lúa. Tuy nhiên, đến tháng 6-2020, anh Dương Văn Chiến (con trai ông Dương Đức Chuyên) đến đòi lại mảnh đất này. Anh Chiến cho rằng, trước khi bố mất (năm 2018) đã giao lại mảnh đất nói trên cho mình. Sau đó, anh Chiến đã phá bỏ hàng rào lô đất và không cho gia đình chị Quỳnh canh tác tại đây.

“Vốn tin tưởng ông Hiến và trong quá trình canh tác không có ai tranh chấp nên vợ chồng tôi cứ lần lữa chưa làm thủ tục sang tên đổi chủ. Từ ngày anh Chiến đòi lại đất, kinh tế gia đình lâm vào khó khăn. Cũng vì việc này mà chồng tôi buồn lo rồi sinh bệnh nặng phải về quê điều trị”-chị Quỳnh bức xúc cho biết.

Tranh chấp do mua bán đất bằng giấy viết tay  ảnh 1

Do bị đòi lại đất và không cho canh tác nên vườn cây ăn quả của gia đình chị Bùi Thị Quỳnh chết hàng loạt, cỏ dại mọc um tùm. Ảnh: Phạm Ngọc

Cũng theo chị Quỳnh, sau khi sự việc xảy ra, gia đình đã nhiều lần yêu cầu ông Hiến giải quyết nhưng không được hợp tác. Đến nay, vợ chồng chị rơi vào cảnh trắng tay vì đất thì không được canh tác, tiền cũng không đòi lại được. Do ông Hiến chối bỏ trách nhiệm nên chị đã làm đơn gửi UBND xã đề nghị giải quyết vụ việc.

Về vụ việc này, ông Hoàng Văn Long-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Lâu-cho hay: Sau khi nhận đơn khiếu nại của chị Quỳnh, xã đã cử cán bộ tìm hiểu sự việc. Theo đó, trước đây, ông Chuyên và ông Hiến có quan hệ trong làm ăn. Ông Chuyên đã viết tay giấy chuyển nhượng và giao bìa đỏ lô đất ở thôn Phố Hiến cho ông Hiến. Sau đó, ông Hiến đã bán lô đất này cho vợ chồng chị Quỳnh vào năm 2015. Tuy nhiên, qua nắm bắt sự việc thì bìa đỏ của lô đất này đã bị thu hồi và cấp lại bìa mới. Do đó, bìa đỏ trước đây không còn giá trị sử dụng trong giao dịch mua bán.

“Sau khi có tranh chấp xảy ra, xã đã mời các bên liên quan lên làm việc. Trong quá trình làm việc, xã yêu cầu ông Hiến hoàn trả lại số tiền mà vợ chồng chị Quỳnh đã mua đất kèm theo lãi suất ngân hàng. Tuy nhiên, các bên đều tự bảo vệ lợi ích của mình, cho rằng việc mua bán đất là hợp pháp. Điều này khiến công tác hòa giải gặp nhiều khó khăn, không thể thương lượng giữa các bên. Sau 3 lần hòa giải, các bên không đồng thuận. Sau đó, chị Quỳnh đã làm đơn gửi lên Tòa án nhân dân huyện Chư Prông”-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Lâu thông tin.

Trao đổi với chúng tôi xung quanh vụ việc, ông Lê Văn Nhiều-Thẩm phán Tòa án nhân dân huyện Chư Prông-cho biết: Sau khi tiếp nhận đơn của chị Quỳnh, Tòa án có công văn gửi Văn phòng Đăng ký đất đai-Chi nhánh huyện Chư Prông đề nghị cung cấp thông tin về lô đất tranh chấp để có cơ sở giải quyết vụ việc nhằm đảm bảo quyền và lợi ích của các đương sự. Sau đó, chúng tôi đã mời các bên liên quan đến làm việc. Trong quá trình làm việc, chúng tôi có giải thích, việc mua bán đất bằng giấy viết tay là không có giá trị pháp lý và tiềm ẩn hậu quả, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích chính đáng của các bên trong giao dịch. Đặc biệt, sau khi giao dịch xong có thể phải đối mặt với tranh chấp pháp lý bất cứ lúc nào.

Sau khi giải thích sự việc thấu tình đạt lý, ông Hiến đã chấp nhận hoàn trả lại cho gia đình chị Quỳnh 150 triệu đồng gồm tiền mua đất và tiền tính theo lãi suất ngân hàng trong những năm qua. Chị Quỳnh đã tạm thời chấp nhận theo hướng giải quyết này và cho biết sẽ trao đổi với chồng do anh này đang điều trị bệnh ở quê. Nếu chồng chị Quỳnh không đồng ý với hướng giải quyết này thì phải có giấy ủy quyền cho chị để tham gia tố tụng theo đúng quy định của pháp luật.

“Trong vụ việc này, các bên giao dịch đều sai do việc mua bán đất bằng giấy viết tay mà không có hợp đồng chuyển nhượng cùng chứng thực của cơ quan chức năng nên đã xảy ra tranh chấp. Điều này đã gây ra nhiều khó khăn cho chính quyền địa phương trong quá trình giải quyết tranh chấp của người dân. Qua vụ việc này, chính quyền địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân hiểu và chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tránh dẫn đến tranh chấp, khiếu kiện xảy ra”-Thẩm phán Lê Văn Nhiều chia sẻ.

PHẠM NGỌC

Nguồn: Báo Gia Lai

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới