Chủ Nhật, 28 Tháng Tư, 2024
Trang chủThời SựNhiều người 'sập bẫy' lừa đảo tuyển cộng tác viên làm việc...

Nhiều người ‘sập bẫy’ lừa đảo tuyển cộng tác viên làm việc online


Mặc dù phương thức, thủ đoạn tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản đã được cảnh báo nhưng không ít người thiếu cảnh giác, nhẹ dạ cả tin, hám lợi… rồi ‘sập bẫy’.

Thủ đoạn mới

Sự phát triển của khoa học công nghệ đã mang lại những tiện ích rất lớn đối với con người như mạng Internet, mạng viễn thông, các dịch vụ thanh toán điện tử, mạng xã hội Facebook, Zalo, Viper… và đây là mảnh đất màu mỡ để tội phạm công nghệ cao lợi dụng hoạt động phạm tội với nhiều phương thức thủ đoạn khác nhau, chiếm đoạt tài sản của nhiều người lên đến hàng tỷ đồng.

Theo Công an TP Huế, thời gian qua đã nổi lên thủ đoạn tuyển cộng tác viên xử lý đơn hàng của các sàn thương mại điện tử như Lazada, Shoppe, Tiki, Sendo… và hưởng hoa hồng trên mỗi đơn hàng. Sau khi bị hại đồng ý làm việc, đối tượng gửi trang Web giả trang Web của các sàn thương mại điện tử, yêu cầu bị hại thực hiện theo hướng dẫn, tạo đơn hàng và thanh toán dưới hình thức chuyển khoản.

Nhiều người 'sập bẫy' lừa đảo tuyển cộng tác viên làm việc online - Ảnh 1.

Nhiều người ‘sập bẫy’ tuyển cộng tác viên làm việc online trình báo cơ quan công an.

Một vài đơn hàng đầu có giá trị thấp, đối tượng đã thanh toán đơn hàng và tiền hoa hồng kèm theo ngay sau đó để tạo lòng tin và đánh vào tâm lý hám lợi của bị hại. Tuy nhiên, các đơn hàng tiếp theo có giá trị lớn, đối tượng không thanh toán và đưa ra nhiều lý do khác nhau như mua thêm hàng để được thanh toán, yêu cầu đóng phí, thuế hoặc bị công an điều tra nguồn tiền chuyển khoản…

Mục đích của việc này là để bị hại tiếp tục chuyển tiền vào tài khoản cho chúng. Đặc biệt, các đối tượng đưa bị hại vào thế “nếu không tiếp tục chuyển khoản theo yêu cầu thì số tiền bị hại mua hàng trước đó sẽ bị mất”.

Nhiều bị hại rơi vào cảnh “đâm lao thì phải theo lao” tiếp tục chuyển khoản và thậm chí có nhiều trường hợp phải đi vay mượn để chuyển khoản cho chúng với mong muốn rút lại tiền đã chuyển và hoa hồng. Đến khi bị hại không còn khả năng chuyển khoản, trả tiền phí hoặc phát hiện bị lừa đảo thì các đối tượng nhanh chóng xóa dấu vết toàn bộ thông tin đã trao đổi, giao dịch với bị hại.

Sập bẫy

Theo số liệu thống kê, từ năm 2021 đến nay, Công an TP Huế đã tiếp nhận 468 đơn trình báo liên quan đến tội phạm sử dụng công nghệ cao, chiếm hơn 50% tổng số đơn trình báo tố giác tội phạm.

Một số vụ việc điển hình, có thể kể đến như vào ngày 25/3/2022, chị Nguyễn Thị H (SN 1995, trú tại phường Trường An, TP Huế) đang sử dụng Facebook thì có tin nhắn tuyển cộng tác viên Lazada. Chị H. xin tham gia và được đối tượng gọi điện thoại tự xưng bên hệ thống của Lazada hướng dẫn chị cách làm cộng tác viên.

Đối tượng gửi cho chị H. một trang Wed giả trang Web của Lazada, yêu cầu chị kích vào mua các sản phẩm trên trang Web. Số tiền chị H. mua sẽ được hoàn lại cùng với tiền hoa hồng trên mỗi sản phẩm.

Đơn hàng đầu tiên chị H. giao dịch 100.000đ thì đối tượng chuyển khoản cho chị cả gốc lẫn hoa hồng là 118.000đ. Đơn hàng thứ 2 có giá trị 1.200.000đ, đối tượng chuyển lại cho chị là 1.540.000đ. 

Nhiều người 'sập bẫy' lừa đảo tuyển cộng tác viên làm việc online - Ảnh 2.

Công an TP Huế bắt giữ các đối tượng có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua các trang mạng xã hội.

Đến các đơn hàng thứ 3, 4, 5 các đối tượng không chuyển khoản cho chị với nhiều lý do khác nhau, yêu cầu chị mua thêm nhiều đơn hàng khác. Tổng số tiền chị H. chuyển khoản cho đối tượng là 120.000.000đ. Khi chị H không còn tiền để giao dịch và biết mình bị lừa thì các đối tượng cắt đứt liên lạc.

Cũng phương thức thủ đoạn trên, anh Nguyễn Văn T. (SN 1997, trú tại phường An Cựu, TP Huế) tham gia Facebook thì nhận được tin nhắn làm việc online, xử lý đơn hàng cho Shoppee. Anh T. tham gia vào thì bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt 24.000.000đ.

Theo Công an TP Huế, tội phạm công nghệ cao hoạt động ngày càng tinh vi xảo quyệt với nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau, hoạt động trên không gian mạng Internet, mạng viễn thông, hệ thống ngân hàng gây không ít khó khăn cho lực lượng chức năng trong quá trình bắt, xử lý đối tượng.

Công an TP Huế cũng thông tin, ngoài các thủ đoạn là tuyển cộng tác viên cho các sàn giao dịch điện tử Lazada, Shopee, Tiki, Sendo… để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hiện nay nổi lên một số thủ đoạn:

1. Thủ đoạn cho vay tiền Online lãi suất thấp, thủ tục nhanh, gọn, yêu cầu bị hại nộp các lệ phí để chiếm đoạt tài sản.

2. Giả danh cán bộ Công an, Viện kiểm soát, Tòa án thông báo cho bị hại có liên quan đến các vụ án để hù dọa, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

3. Chiếm đoạt quyền điền khiển, sử dụng sim điện thoại để chiếm đoạt tài sản trong tài khoản ngân hàng, ví điện tử. Đối tượng giả danh là nhân viên chăm sóc khách hàng nhà mạng đang nâng cấp Sim từ 3G lên 4G, 5G hoặc giải quyết sự cố về Sim yêu cầu bị hại soạn cú pháp theo hướng dẫn. Thực chất đây là các cú pháp chuyển hướng cuộc gọi và đổi Sim qua phôi Sim trắng. Khi thao tác thành công các đối tượng kiểm soát Sim điện thoại để chiếm đoạt tài sản.

4. Hack (chiếm đoạt) quyền sở hữu tài khoản Facebook, Zalo, Viber… để giả mạo người thân quen mượn tiền, nhờ thanh toán các đơn hàng, nộp Card điện thoại… Để phòng ngừa thủ đoạn này, chúng ta không đăng nhập Facebook, Zalo, Viber vào những đường Link lạ tránh đối tượng kiểm soát, chiếm đoạt tài khoản. Không cung cấp mã OTP cho bất kỳ ai, không cho người khác mượn tiền, nạp Card thông qua nhắn tin và cuộc gọi mạng xã hội.

5. Thủ đoạn nhận quà giá trị lớn từ người nước ngoài quen biết qua mạng xã hội gửi về Việt Nam. Các đối tượng đưa ra thông tin giả là đang gửi quà giá trị lớn cho bị hại. Quà đang bị Hải quan, An ninh sân bay… tạm giữ cần phải nộp lệ phí để được nhận. Thực chất đây là thủ đoạn lừa đảo, khi bị hại nộp lệ phí theo hướng dẫn thì bị các đối tượng chiếm đoạt.

6. Thông báo trúng thưởng từ nhà mạng hoặc các công ty, yêu cầu bị nộp Card điện thoại, chuyển tiền để làm các thủ tục nhận trúng thưởng.

7. Kêu gọi đầu tư từ các sàn giao dịch tiền ảo như Wefinex, Bitono, Pocinex, Remitex, Binanex… các đối tượng đánh vào sự nhẹ dạ, cả tin và lòng tham của nhà đầu tư. Đối tượng cho người đầu tư hưởng siêu lợi nhuận một vài lần đầu, sau đó tiếp tục đầu tư số tiền lớn thì bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Hoàng Dũng – Công Quang

Nguồn: Giadinh.suckhoedoisong.vn

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới