Thứ Sáu, 26 Tháng Tư, 2024
Trang chủCông NghệTập thể giảng viên nữ đam mê nghiên cứu môi trường

Tập thể giảng viên nữ đam mê nghiên cứu môi trường

Mặc dù là đơn vị đào tạo, tuy nhiên thành tích về nghiên cứu khoa học (NCKH) của tập thể cán bộ nữ bộ môn Công nghệ môi trường, khoa Môi trường (Trường đại học Khoa học tự nhiên, Ðại học quốc gia Hà Nội) được thể hiện rõ nét. Các đề tài nghiên cứu do cán bộ nữ chủ trì thể hiện tính tiên phong trong lĩnh vực môi trường, được thử nghiệm trong thực tế và đạt nhiều kết quả tích cực; đồng thời còn được đưa vào các chương trình, bài giảng để góp phần lan tỏa và khuyến khích niềm đam mê NCKH cho các thế hệ sinh viên.

Giảng viên bộ môn Công nghệ môi trường, Khoa Môi trường, Trường đại học Khoa học tự nhiên (Ðại học Quốc gia Hà Nội) hướng dẫn sinh viên thực hành thí nghiệm.

Với triết lý giáo dục của Khoa Môi trường: “Học để áp dụng, học từ thực tiễn”, trong những năm qua, bộ môn Công nghệ môi trường (CNMT) với phần lớn là cán bộ nữ tham gia giảng dạy, luôn tích cực đổi mới phương pháp, tạo điều kiện và giúp sinh viên tăng cường tính tự chủ, sáng tạo, đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao. Cán bộ nữ của bộ môn CNMT cũng tích cực tham gia biên soạn khung chương trình, đề cương môn học, giáo trình, bài giảng cho các bậc học.

Bên cạnh công tác giảng dạy, các giảng viên nữ còn tập trung nghiên cứu về những vấn đề đang được xã hội quan tâm trong lĩnh vực môi trường, đáp ứng yêu cầu thiết thực của thực tế. Các kết quả nghiên cứu được thể hiện qua những sản phẩm khoa học – công nghệ có tính đột phá, được áp dụng và định hướng ứng dụng hiệu quả, góp phần bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng, như các đề tài: “Xây dựng hệ thống xử lý nước thải dệt nhuộm”; “Nghiên cứu sử dụng các hệ thống xử lý tự nhiên với kỹ thuật sinh học, sinh thái để xử lý nước thải với nồng độ chất hữu cơ cao”; “Bộ kit thử và phương pháp xác định nhanh amoni trong các nguồn nước cấp cho sinh hoạt và ăn uống”, được cấp bằng Ðộc quyền sáng chế năm 2015…

Trao đổi ý kiến với chúng tôi, Tiến sĩ Phạm Thị Thúy, Phó Trưởng bộ môn CNMT cho biết: Với mong muốn giúp cho người dân có nguồn nước đạt tiêu chuẩn cho ăn uống và sinh hoạt trong gia đình, qua nhiều lần thử nghiệm, nhóm nghiên cứu đã thành công ứng dụng để phục vụ cộng đồng, đó là xử lý asen trong nước ngầm trên địa bàn Hà Nội. Cô chia sẻ, các hộ gia đình ở vùng nông thôn vẫn sử dụng nước giếng khoan để nấu ăn, uống và sinh hoạt. Với nguy cơ nhiễm asen trong nước ngầm thì nghiên cứu này có tính thực tiễn cao, đã thử nghiệm, áp dụng thí điểm tại hai trường mầm non và một trạm y tế trên địa bàn Hà Nội. Sau đó, tiếp tục được áp dụng cho hai nhà trẻ ở vùng bị nhiễm asen nặng và 20 hộ gia đình ở xã Hồng Thái (huyện Phú Xuyên, Hà Nội) nhằm chế tạo ra các thiết bị xử lý nước nhỏ gọn, chất lượng với chi phí thấp.

Theo các giảng viên nữ Bộ môn CNMT, có hai hướng nghiên cứu chính được các cô triển khai gồm: Công nghệ xử lý và tận dụng chất thải; phân tích và đánh giá chất lượng môi trường. Nhiều đề tài được áp dụng thử nghiệm vào thực tế, tuy nhiên, trong quá trình nghiên cứu gặp nhiều khó khăn và không phải nghiên cứu nào cũng thành công. Chia sẻ về những trăn trở và khó khăn trong mỗi đề tài nghiên cứu, PGS, TS Nguyễn Thị Hà, Trưởng bộ môn CNMT cho biết: “Nghiên cứu thực nghiệm không phải cứ nghiên cứu là thành công, có những nghiên cứu phải làm đi làm lại, có khi làm đến 10 lần nhưng không đạt được kết quả mà mình mong muốn. Bên cạnh đó, phụ nữ làm về công nghệ sẽ vất vả hơn, nhiều khó khăn hạn chế như phải đi hiện trường lấy mẫu xét nghiệm, lắp đặt, vận hành, hiệu chỉnh quá trình xử lý. “Với sự hỗ trợ của các đồng nghiệp, chúng tôi xây dựng các nhóm nghiên cứu để có những sự hợp tác trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau, đưa ra những sản phẩm tốt nhất”, chị Hà chia sẻ thêm.

Bộ môn CNMT, cùng Khoa Môi trường là đơn vị đầu tiên của cả nước đào tạo về môi trường và là một đơn vị tham gia, hỗ trợ các đơn vị trường/viện khác trong xây dựng chương trình đào tạo về môi trường, góp phần lan tỏa, phát triển lĩnh vực này lớn mạnh trên cả nước, đóng góp nguồn nhân lực trình độ cao cho chiến lược quốc gia về bảo vệ môi trường. Theo PGS, TS Nguyễn Mạnh Khải, Trưởng khoa Môi trường cho biết: “Thời gian qua, Bộ môn CNMT luôn là đơn vị dẫn đầu trong khoa về công tác NCKH của sinh viên, đào tạo cán bộ kế cận cũng như sinh viên và lực lượng cán bộ khoa học cho ngành môi trường cả nước. Nhiều nhóm sinh viên được các giảng viên nữ hướng dẫn, đã đạt giải cao trong nghiên cứu khoa học cấp trường, cấp bộ. Ngoài những thành tích trong nghiên cứu và giảng dạy, các giảng viên nữ trong bộ môn còn thành lập câu lạc bộ làm bưu thiếp “FES Card Club” với việc tận dụng các vật liệu thải, vừa có ý nghĩa giáo dục về bảo vệ môi trường, vừa gây quỹ để làm từ thiện, ủng hộ thường xuyên cho “Nồi cháo tình thương” được phát miễn phí cho bệnh nhân”.

Với niềm say mê sáng tạo không ngừng nghỉ, tập thể nữ bộ môn CNMT được nhận Giải thưởng Kovalevskaia năm 2018. PGS, TS Nguyễn Thị Hà nói, đây được coi là một dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp của cán bộ nữ. Ðó là động lực để những giảng viên bộ môn CNMT tiếp tục phấn đấu, đam mê nhiệt huyết với nghề để có những thành tựu tốt nhất đóng góp cho sự phát triển của xã hội.

Bài và ảnh: Minh Châu

Nhân Dân

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới