Thứ Hai, 29 Tháng Tư, 2024
Trang chủTin Gia LaiTịnh xá Ngọc Giác-Chốn về an nhiên

Tịnh xá Ngọc Giác-Chốn về an nhiên

Tịnh xá Ngọc Giác (tổ 3, phường An Tân, thị xã An Khê) nằm ở thế “tọa sơn hướng thủy” lưng dựa vào núi Hòn Cọp trong quần thể ngọn Đại Sơn (Hòn Lớn), mặt hướng về đập Tà Diêm 4 mùa xanh trong. Nơi đây như chốn thiền yên tĩnh giữa miền an nhiên của những ngọn núi biếc, rời xa trần tục.

Tịnh xá dưới chân Hòn Cọp

Sáng xuân lất phất mưa. Chúng tôi về tịnh xá Ngọc Giác thăm thầy trụ trì Thích Minh Thức. Từ quốc lộ 19 về hướng đèo An Khê, rẽ phải theo con đường vào Bệnh viện thị xã sẽ bắt gặp một dải núi non xanh thẳm. Men theo con đường đất đi sâu về hướng núi, đến dưới chân Hòn Cọp là tịnh xá Ngọc Giác.

Đồng lúa xanh mướt, những hàng keo, hàng dừa cùng hơi nước mát lạnh từ đập Tà Diêm (công trình thủy lợi của phường An Tân) khiến ai nấy đều cảm thấy thanh lành, dễ chịu.

Tịnh xá được Thượng tọa Thích Giác Ngôn khai sơn xây dựng năm 2017 với diện tích trên 10 ngàn m2. Các công trình của tịnh xá đơn sơ nhưng thế “tọa sơn hướng thủy” lại khiến nơi này thu hút đông đảo phật tử gần xa tìm đến như một chốn về an nhiên. Bà con phật tử kể lại rằng, trước đây, vùng đất này chỉ là rừng núi u tịch.

Chiều xuống nhanh hơn những nơi khác vì sương núi, còn sáng sớm thì như được khoác chiếc áo lam hư ảo của sương khói bảng lảng. Khi thầy Giác Ngôn khai sơn xây dựng ngôi nhà thiền đơn sơ giữa chốn núi non trầm mặc, nhiều người bắt đầu tìm đến và nhận ra nơi đây chính là chốn an tĩnh, tách biệt với đời sống náo nhiệt.

Tịnh xá Ngọc Giác như một chốn về an nhiên cho phật tử và du khách thập phương. Ảnh: H.N

Tịnh xá Ngọc Giác như một chốn về an nhiên cho phật tử và du khách thập phương. Ảnh: H.N

Chuyến đi của chúng tôi đúng dịp tịnh xá chuẩn bị giỗ 6 năm ngày mất của Thượng tọa Thích Giác Ngôn. Giữa những ngày cuối năm bận rộn nhưng rất đông phật tử trở về, chung tay sửa soạn cho ngày giỗ.

Chị Nguyễn Thị Thùy Trang (tổ 3, phường An Bình, thị xã An Khê) bày tỏ: “Tôi làm công quả ở đây đã lâu nên thấm nhuần tư tưởng cho đi, giúp đời, giúp người của các sư. Mình tới giúp tịnh xá, tịnh xá lại giúp đỡ chúng sinh, bá tánh.

Rồi những người từng được giúp đỡ quay lại đây để làm nhiều việc tốt khác. Những người cho đi là đã sẵn tâm từ bi, sẵn lòng chia sẻ. Nhiều phật tử dù không dư dả nhưng năm nào cũng cùng với tịnh xá trao tặng những phần quà cho người nghèo vào dịp Tết cổ truyền, lễ Vu lan… Không khí tu tập ở đây luôn ấm cúng”.

Tỳ kheo Thích Minh Thức vừa được bổ nhiệm trụ trì tịnh xá Ngọc Giác. Trong lúc dẫn khách đi dạo giới thiệu những loài hoa xuân đua nhau khoe sắc trong vườn thiền, trụ trì tịnh xá Ngọc Giác đã chia sẻ rằng, con người giống như cây xanh, muốn khỏe mạnh, phát triển tốt cần phải bón phân, tưới nước, chăm sóc đúng cách.

Người muốn có cuộc sống tốt phải trau dồi kiến thức, bồi dưỡng nghiệp thiện để trong tâm từ bi của mình luôn bừng nở những đóa hoa như mùa xuân. Khi đối mặt với những khó khăn, bất như ý trong cuộc sống cũng dễ dàng vượt qua bằng trí tuệ sáng ngời.

200 bậc đá

Sau lưng tịnh xá Ngọc Giác là núi Hòn Cọp với những điều kỳ bí và những truyền thuyết còn lưu truyền trong dân gian. Đi qua vườn hoa mai là con đường dẫn lên núi với bảng chỉ dẫn “Lối lên tịnh thiền và đỉnh núi Hòn Cọp”. Leo hết 200 bậc đá dẫn lên núi, chạm vào tầm mắt là khung cảnh thiên nhiên yên bình.

Gần đỉnh núi là Hang Cọp nằm sâu giữa những tảng đá lớn mặt hướng về dãy Đại Sơn. Trên tảng lớn có vài dòng chú thích, phần nào thỏa mãn sự tò mò của khách thập phương về tên gọi: “…Xa xưa, nơi đây là rừng núi thâm u, trầm mặc, thu hút đàn cọp hoang dã khá đông đúc. Tương truyền, hang đá tự nhiên này là nơi trú ngụ của cọp chúa (đầu đàn) và cũng là nơi sản sinh ra các thế hệ cọp trong vùng Đại Sơn. Do đó, núi có tên là Hòn Cọp”.

Khách trên đường tham quan tịnh thiền trên đỉnh Hòn Cọp. Ảnh: H.N

Khách trên đường tham quan tịnh thiền trên đỉnh Hòn Cọp. Ảnh: H.N

Từ đỉnh núi, nhìn ra lòng đập Tà Diêm trong vắt, tĩnh lặng. Từ đây có thể thu gọn trong tầm mắt dáng hình vùng đất nằm giữa đèo mây. Gió núi thổi từng đợt, từng đợt, lay động cỏ cây, hoa lá. Một cây bồ đề nhỏ bé an nhiên đâm chồi trong hốc đá.

Theo điển tích, Đức Phật Thích Ca ngồi thiền dưới gốc cây bồ đề và giác ngộ con đường cứu khổ cứu nạn chúng sinh. Vì vậy, cây bồ đề gắn liền với sự tuệ giác của Đức Phật và còn được gọi là “cây giác ngộ”. Bắt gặp hình ảnh này nơi tịnh thiền trên đỉnh núi thiêng, bất giác thấy lòng mình như bừng nở một đóa hoa.

Chị Trần Hoàng Nguyên (đường Đinh Tiên Hoàng, TP. Pleiku) vừa có dịp ghé thăm tịnh xá. Chị chia sẻ về chuyến đi như một cuộc hành thiền bất ngờ và thú vị: “Đứng trên đỉnh núi, nhìn ngắm bức tranh thiên nhiên hùng vĩ, nghe tiếng nhạc thiền thư thái khiến ai cũng muốn sống chậm lại. Tôi cảm giác sự tĩnh lặng trong những ngày cuối năm bộn bề.

Đây là nơi tuyệt vời không chỉ đến như một chốn thiền, nơi tu tập mà còn giúp con người tĩnh lặng để nhìn xa. Thiên nhiên hữu tình gắn với truyền thuyết núi Hòn Cọp và phong trào khởi nghĩa Tây Sơn, nên nơi đây sẽ có thể trở thành điểm du lịch tâm linh thú vị trên vùng đất thượng đạo này”.

HOÀNG NGỌC

Nguồn: Báo Gia Lai

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới