Thứ Hai, 29 Tháng Tư, 2024
Trang chủTin Gia LaiVỉa hè bị tái lấn chiếm: Đánh trống bỏ dùi?

Vỉa hè bị tái lấn chiếm: Đánh trống bỏ dùi?

Đầu năm 2017, sau khi chính quyền quận 1, TP. Hồ Chí Minh rầm rộ ra quân “giành lại vỉa hè” cho người đi bộ, chiến dịch này đã nhanh chóng lan tỏa khắp các tỉnh thành trong cả nước. Hơn 5 tháng trước, TP. Pleiku cũng đã đồng loạt ra quân xử lý tình trạng này và bước đầu mang lại hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, sau một thời gian đi vào nền nếp, hiện vỉa hè của một số trục đường chính đang bị tái lấn chiếm, thậm chí có nơi bị lấn chiếm hoàn toàn.

Tái lấn chiếm

Sau một thời gian im ắng, đến nay, trên nhiều tuyến đường tại trung tâm TP. Pleiku, người dân và các hộ kinh doanh lại tiếp tục chiếm dụng vỉa hè để bày bán đủ các loại hàng hóa và làm nơi để xe cho khách khiến người đi bộ phải đi xuống lòng đường. Đơn cử, trên đường Hoàng Văn Thụ (thuộc phường Diên Hồng), đoạn trước Ngân hàng BIDV, những hộ kinh doanh xe đạp, đồ chơi, quần áo… đã chiếm toàn bộ diện tích vỉa hè để trưng bày hàng hóa. Còn trên tuyến đường Trần Phú, Hai Bà Trưng (đoạn trước Trung tâm Thương mại Pleiku), vào các buổi sáng và cuối buổi chiều, vỉa hè lại trở thành nơi để những người buôn bán hàng rong chiếm dụng bày bán đủ thứ từ rau, củ, quả đến cá, thịt…

Một đoạn vỉa hè đường Hoàng Văn Thụ bị lấn chiếm hoàn toàn.                  Ảnh: Đức Thụy
Một đoạn vỉa hè đường Hoàng Văn Thụ bị lấn chiếm hoàn toàn. Ảnh: Đức Thụy

Tương tự, trên các tuyến Nguyễn Văn Trỗi, Hùng Vương, Hoàng Hoa Thám thì vỉa hè biến thành “bãi giữ xe” cho các quán cà phê, quán ăn, salon xe máy và các shop thời trang. Cũng tại các điểm lấn chiếm vỉa hè này, sau khi đã chấp hành tháo dỡ các vật kiến trúc vi phạm, một số hộ dân lại nghĩ ra cách lấn chiếm vỉa hè theo phương thức “dã chiến” khi giăng bạt, dù… để che chắn làm nơi bày bán hàng hóa.

Vào buổi tối, vỉa hè ở hầu hết các tuyến phố lớn ở trung tâm TP. Pleiku trở nên nhộn nhịp hơn hẳn khi người dân vô tư lấn chiếm để trưng bày đủ thứ, từ bàn ghế của các quán nhậu, quán cà phê đến quần áo, giày dép đại hạ giá… Dạo quanh các tuyến phố lớn vào ban đêm, những người khách ở xa đến ắt sẽ nghĩ rằng TP. Pleiku đã quy hoạch hoàn chỉnh các khu phố bán hàng rong.

Tìm giải pháp để “sống chung”?

Nói vỉa hè của một số tuyến đường trên địa bàn TP. Pleiku bị tái lấn chiếm không có nghĩa là phủ nhận những nỗ lực của thành phố và các xã, phường trong việc thiết lập lại trật tự vỉa hè. Thẳng thắn nhìn nhận thì hiện nay một số tuyến phố đã thông thoáng, sạch đẹp hơn nhiều. Điều này thể hiện qua những số liệu thống kê sau hơn 5 tháng triển khai công tác kiểm tra, xử lý trật tự đô thị.

Theo đó, toàn thành phố đã rà soát, xác định được 8.150 trường hợp vi phạm. Trong đó, vi phạm về mái che, bảng quảng cáo không đúng quy định là 6.302 trường hợp; vi phạm về vỉa hè, bục kệ, nhà và các vật kiến trúc khác lấn chiếm chỉ giới xây dựng là 1.930 trường hợp. Qua công tác vận động và qua xử lý của cơ quan chức năng, đến nay đã giải quyết được 6.302 trường hợp vi phạm (đạt tỷ lệ 77,33%). Còn lại những công trình mà người dân không tự giác chấp hành, lực lượng chức năng sẽ tiến hành tháo dỡ và tính phí theo quy định của pháp luật.

Ông Võ Phan Duyệt-Chủ tịch UBND phường Diên Hồng nêu quan điểm: “Không dễ xử lý vi phạm bởi vỉa hè lâu nay là nơi mưu sinh, là nguồn sống của một bộ phận người dân của các xã, phường trên địa bàn thành phố. Đồng thời, việc buôn bán trên vỉa hè cũng đã có đóng góp ít nhiều cho sự phát triển của thành phố”. Đơn cử, phường Diên Hồng là địa bàn được xem là trung tâm kinh tế-thương mại-dịch vụ của TP. Pleiku. Hiện toàn phường có 1.300 cơ sở kinh doanh thương mại-dịch vụ; 150 công ty tư nhân; 1 siêu thị; 1 chợ đêm (chợ đầu mối) và 22 tuyến đường lớn, thuận lợi cho việc kinh doanh buôn bán.

Trên địa bàn không chỉ có người dân của phường Diên Hồng kinh doanh, buôn bán mà người dân các địa phương khác cũng tập trung đến nên mật độ người kinh doanh, buôn bán rất đông đúc. Điều này khiến các địa điểm kinh doanh trên địa bàn phường đều quá tải, do đó việc sử dụng vỉa hè để buôn bán là điều khó tránh khỏi. Chính vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng việc kiên quyết xử lý các vi phạm là đúng và không nên “đánh trống bỏ dùi”; vì một đô thị văn minh, xanh-sạch-đẹp thì không thể có những vỉa hè bị lấn chiếm tràn lan, nhếch nhác. Tuy nhiên, cần phải có lộ trình, biện pháp phù hợp hay nói đúng hơn là tìm giải pháp để gắn liền “văn hóa vỉa hè với văn minh đô thị”. Ông Võ Phan Duyệt cho biết thêm: “Lực lượng chức năng của phường đã triển khai xử lý quyết liệt tình trạng lấn chiếm vỉa hè, nhưng gặp khó khăn vì không đủ lực lượng để túc trực, kiểm tra, xử lý trên các tuyến phố. Trước nhu cầu bức thiết của người dân, từ tháng 6-2017, UBND phường đã có tờ trình lên UBND TP. Pleiku về việc được cho phép sử dụng một phần hè phố để kinh doanh, buôn bán tại 9 tuyến phố trọng điểm và đang chờ ý kiến…”.

Ngoài ra, hiện một vấn đề khiến lực lượng chức năng gặp khó là một số công trình, nhà ở kiên cố đã được xây dựng từ lâu với chỉ giới quy định khác với thời điểm hiện tại, trong đó không ít nhà ở được cấp giấy phép sử dụng đất nên trong quá trình xử lý không thể “cào bằng”. Ông Nguyễn Hoàng Quang Minh-Phó Trưởng phòng Quản lý Đô thị TP. Pleiku cho biết: “Trước mắt, chúng tôi tiếp tục phối hợp với các xã, phường tổ chức tuyên truyền, vận động, hướng dẫn để người dân tự giác tháo dỡ các công trình, vật kiến trúc vi phạm lấn chiếm vỉa hè, hành lang an toàn giao thông đường bộ. Trong quá trình xử lý, từ ý kiến của các xã, phường về những vướng mắc, chúng tôi sẽ đề xuất lên UBND thành phố để có hướng giải quyết…”.

Hạ Vy

Baogialai.com.vn

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới