Thứ Bảy, 27 Tháng Tư, 2024
Trang chủCông NghệCuộc sống của nhà khoa học nữ góp công “vén màn” lỗ...

Cuộc sống của nhà khoa học nữ góp công “vén màn” lỗ đen đã bị cộng đồng mạng làm đảo lộn thế nào?

Nhiều cư dân mạng cho rằng Bouman không xứng đáng được nhận sự tán dương lớn đến như vậy với thành tựu của mình, trong khi bên cạnh cô còn có rất nhiều các đồng nghiệp khác.

Giới khoa học mấy ngày gần đây đang “dậy sóng” với bức ảnh đầu tiên chụp hố đen vũ trụ. Và một trong những tâm điểm chú ý cũng dồn về phía Katie Bouman, nữ chuyên gia máy tính, nhân vật chính trong bức ảnh được đăng tải trên trang Twitter chính thức của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) đã sưởi ấm trái tim của hàng triệu người trên khắp thế giới với cử chỉ hân hoan, hạnh phúc khi lần đầu tiên được chứng kiến hình ảnh về một trong những bí ẩn lớn nhất của vũ trụ.

Bouman sắp trở thành Phó Giáo sư tại Caltech (Viện Công nghệ California). Cô là người đứng đầu một trong bốn nhóm nghiên cứu được giao trọng trách biến những dữ liệu khoa học được lưu trữ trên số ổ cứng có khối lượng lên tới nửa tấn thành một bức ảnh trực quan đã làm nức lòng dư luận toàn cầu hôm thứ tư vừa qua.

Ngay cả khi được ngắm một bức ảnh hoàn chỉnh trên màn hình, ngay trước mắt chúng ta, nhưng để thực sự hiểu về một thiên thể lớn hơn cả Hệ Mặt trời và có khối lượng gấp 6,5 tỷ lần Mặt Trời gần như là một việc bất khả thi. Nhưng niềm vui sướng lại là một khái niệm cụ thể hơn rất nhiều – chúng ta đều có thể nhìn thấy điều đó qua cử chỉ đưa tay che miệng của nữ chuyên gia trẻ.

Tài khoản Twitter của Viện MIT, nơi Bouman làm việc, là một trong những kênh thông tin đầu tiên ca ngợi công sức của cô. Tweet của Viện MIT có đoạn viết: “3 năm trước, một nữ sinh viên tốt nghiệp MIT có tên Katie Bouman đã dẫn đầu nhóm nghiên cứu sáng tạo ra một thuật toán mới để tạo ra bức ảnh đầu tiên về lỗ đen. Ngày hôm nay, bức ảnh đó đã xuất hiện trước công chúng“. Đoạn tweet này có dẫn thêm một bài báo viết năm 2016 nói về thành tựu của Bouman. Nhưng nếu bạn, cũng như hàng nghìn người dùng Twitter khác, chỉ dành 1-2 giây lướt qua các nội dung trên mạng xã hội này, thì có thể dễ dàng hiểu nhầm rằng thuật toán của Bouman là công cụ “DUY NHẤT” góp phần tạo ra bức ảnh (Sau đó, MIT còn đăng nhiều tweet để nhấn mạnh rằng Bouman và công trình của cô chỉ là một phần trong nỗ lực của nhiều nhóm các nhà khoa học khác cùng cộng tác).

Nhưng đôi mắt người đời nào có buông tha điều gì. Nhà báo Flora Graham so sánh bức ảnh chụp Bouman bên những chiếc ổ cứng lưu trữ dữ liệu của dự án với bức ảnh chụp Margaret Hamilton, nữ chuyên gia máy tính, người đã viết ra những đoạn mã “căn cốt” dùng để vận hành dự án Apollo đưa người lên Mặt Trăng. Những lời chúc mừng, tán dương xuất hiện không ngớt, và Bouman đột ngột trở nên nổi tiếng. Với nhiều người, hình ảnh một cô gái với khuôn mặt rạng rỡ bên bàn làm việc để lại ấn tượng gấp nhiều lần so với bức ảnh chụp hai trăm khuôn mặt bé xíu đang cười dưới đây:

Sau vài giờ, “bóng đen” của Internet bắt đầu phủ bóng lên Bouman. Điện thoại của cô nhận được nhiều tin nhắn đến nỗi cô phải tắt nguồn (thời báo New York Times đưa tin). Một số người liên tục tạo ra những tài khoản Twitter giả mang tên Bouman. Ngày hôm sau, báo The Times đăng tải một bài báo có nhan đề “Katie Bouman đã vô tình trở thành gương mặt đại diện của dự án Lỗ đen như thế nào“. Phóng viên trang tin The Verge đã liên hệ với Bouman để hỏi về cảm nghĩ của nhà khoa học trẻ, nhưng đại diện của Viện MIT đã phản hồi rằng Bouman hiện tại không trả lời các câu hỏi báo chí.

Thật tuyệt vời khi công sức của bạn được ghi nhận. Nhưng cũng chẳng thoải mái gì khi bạn phải một mình đứng giữa ánh hào quang của sân khấu và đảm nhận vị trí ngôi sao khi bạn chỉ là một phần nhỏ bé của tập thể.

Chia sẻ sau khi nhận được sự quan tâm rất lớn từ dư luận, Bouman viết trên Facebook rằng: “Không có thuật toán của riêng ai hay cá nhân bất kì người nào có thể một mình tạo ra bức ảnh này, đó là nỗ lực và tài năng tuyệt vời của một tập thể các nhà khoa học trên khắp thế giới và hàng năm trời làm việc để phát triển công cụ, xử lý dữ liệu, các phương pháp kiến tạo hình ảnh, và kĩ thuật phân tích để tạo ra công trình tưởng chừng như không thể hoàn thành này. Thật là một niềm vinh hạnh và may mắn lớn lao của tôi khi có cơ hội được làm việc với tất cả các bạn.

Nhưng Internet thì vẫn luôn “độc ác” như vậy. Niềm hân hoan qua đi nhường chỗ cho một tranh cãi mang tính phân biệt giới tính nặng nề. Người ta bắt đầu soi xét vào việc những đóng góp của Bouman thực sự chiếm bao nhiêu phần trong toàn bộ dự án đã đưa tên tuổi của cô lên đỉnh vinh quang. Những kẻ “troll” nằm vùng trên Internet tập trung vào Andrew Chael, một trong những đồng nghiệp của Bouman. Trên GitHub, anh được ghi danh là nhà phát triển chính của thuật toán giúp “vén màn” bí mật về lỗ đen. Họ lập luận rằng chỉ nhờ bức ảnh mà Bouman lại có được sự nổi tiếng hơn nhà nghiên cứu “chính” này. Chael thì không được biết đến nhiều như vậy.

Tất cả những chuyện này rõ ràng được khơi mào bởi một số người vốn luôn mang trong mình thái độ khó chịu khi có một phụ nữ được trở thành tâm điểm của sự chú ý. Tất cả những gì họ muốn chỉ là, ‘Tôi cần phải tìm một người nói lên quan điểm của tôi’ [và họ đã dò ra tôi],” Chael cho biết trong cuộc phỏng vấn với báo The Washington Post.

Không chỉ có Twitter mà các “troll” còn đăng tải hàng loạt video lên YouTube lan truyền tin đồn này, và tạo ra vô số tài khoản Instagram giả mạo để nhắm tới Bouman và Chael. Cây bút Ben Collins (đài NBC) cho rằng “Tình hình hiện nay là một minh chứng rõ nét cho thấy những sự xúc phạm mà phụ nữ vẫn đang phải đối mặt trên Internet, và sự nhạy cảm của những nền tảng trực tuyến lớn trước những chiến dịch “troll” của người dùng.

Cần nhấn mạnh rằng, đây không chỉ là một trào lưu trực tuyến. Trong giới khoa học, phụ nữ không có được tiếng nói bình đẳng so với các đồng nghiệp nam. Họ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc xuất bản công trình trên những tạp chí khoa học lớn, trong đó có cả những tạp chí đầu bảng như ScienceNature. Mức lương trung bình họ nhận được thấp hơn so với các đồng nghiệp nam (một nghiên cứu năm 2013 cho thấy phụ nữ làm trong lĩnh vực vật lý và thiên văn được trả lương trung bình thấp hơn 40% so với nam giới). Và họ thường phải đối mặt với các hành vi lăng mạ, xúc phạm ở công sở hơn.

Thực tế, một phần lý do cái tên Bouman xuất hiện trên các bài viết nhạo báng chính cô chắc chắn có liên quan tới vấn đề giới tính. Trước đây từng có nhiều vụ việc làm nảy sinh làn sóng tranh cãi tương tự. Đã có nhiều nam học giả xuất sắc, trong đó có nhà vật lý học từng làm việc tại Tổ chức Nghiên cứu Hạt nhân châu Âu (CERN) Alessandro Strumia, bị dư luận “ném đá” khi phát biểu rằng phụ nữ không phải chịu bất kỳ sự phân biệt đối xử nào trong khoa học – họ chỉ đơn giản là không thích, hoặc không có khả năng làm khoa học. Lập luận này đã củng cố quan điểm cho rằng phụ nữ không thuộc về lĩnh vực khoa học hoặc không có đủ tài năng. Nhiều người thậm chí còn đi xa hơn khi cho rằng những phụ nữ như Bouman là “giả mạo”.

Vấn đề đặc biệt này xem ra khó có khả năng biến mất chỉ trong ngày một ngày hai, mặc dù đang có những tín hiệu tích cực từ chính cộng đồng khoa học. Các nhà nghiên cứu đã phản đối những quy trình cấp kinh phí nghiên cứu dành sự ưu tiên và nguồn lực đáng kể cho các dự án do nam giới lãnh đạo. Cộng đồng khoa học cũng đang “cải tổ” lại các quy định chống lại sự quấy rối dựa trên phân biệt giới tính.

Tuy nhiên, một phần nguyên nhân của vấn đề đến từ việc hình ảnh của Bouman trở thành đại diện cho công sức của cả một tập thể. Khoa học giờ đây là những công trình nghiên cứu trên quy mô rộng lớn hơn, cho phép chúng ta trả lời những câu hỏi mà tổ tiên chúng ta chẳng bao giờ nghĩ đến. Kết quả đó có được là nhờ công sức và sự hợp tác của những người truyền cảm hứng như Katie Bouman, Andrew Chael, Shep Doeleman, Kazu Akiyama và hơn 200 đồng nghiệp khác của họ. Thật khó để cùng lúc đọc ra và ghi nhớ 215 cái tên trong đầu bạn. Người ta sẽ thường dành sự chú ý và nhớ đến một gương mặt rạng rỡ, để lại ấn tượng sâu sắc mà thôi.

Thật là tuyệt vời khi sáng thức dậy chúng ta được nghe câu chuyện của Bouman. Và thật đáng xấu hổ với những người công kích uy tín của Bouman chỉ vì câu chuyện đó của cô. Và sự thật cũng là rằng: một mình Bouman không thể “cáng đáng” sức nặng của công trình khoa học tuyệt vời này trên vai.

Nói rằng Bouman là một phần của nhóm nghiên cứu lớn không làm hạ thấp công lao của cô, hay làm giảm đi vai trò của cô trong một dự án vốn đã đủ sức đi vào lịch sử. Nhấn mạnh thành tự của một nhà khoa học xuất sắc, đầy đam mê như Bouman không làm lãng quên đóng góp của 214 đồng nghiệp khác cùng làm với cô. Nhưng những gì xảy ra ngày hôm nay đã cho thấy một mô hình khác của các nhà khoa học so với những gì chúng ta vẫn thường biết tới. Thành tựu này sẽ truyền cảm hứng cho rất nhiều trẻ em – trong đó có những trẻ em gái như Bouman ngày nào – hứng thú và phấn đấu học tập, tìm tòi về những kỳ quan của vũ trụ.

Internet có nhiều mảng đen tối, có nhiều thứ nặng nề, và cũng có thể chỉ toàn “rác rưởi”. Nhưng chỉ có lỗ đen mới có thể khiến cho ánh sáng một đi không trở lại. Bouman đã có một khởi đầu vững chắc cho sự nghiệp của mình – chúng ta sẽ tiếp tục hy vọng ánh sáng và hào quang sẽ theo cô trong bước đường tương lai.

Quang Huy (Theo The Verge)

Vnreview.vn

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới