Thứ Bảy, 27 Tháng Tư, 2024
Trang chủCông NghệHàng nghìn iPhone còn dùng được trở thành phế liệu chỉ vì...

Hàng nghìn iPhone còn dùng được trở thành phế liệu chỉ vì bị khóa iCloud

Một công ty tái chế rác thải điện tử cho biết đã buộc phải phá hủy tới 66.000 chiếc iPhone trong suốt ba năm qua chỉ bởi tính năng Activation Lock (Khóa kích hoạt).

iphone, icloud

Chức năng activation lock (khóa kích hoạt, hay còn gọi là khóa iCloud) là một tính năng với mục đích chống trộm. Tính năng này giúp ngăn chặn tài khoản mới đăng nhập vào thiết bị iOS nếu không có mật khẩu iCloud gốc. Điều đó có nghĩa là, kẻ trộm sẽ không thể nào sử dụng điện thoại nếu không có iCloud chính chủ. Khóa iCloud cũng có thể được thực hiện từ xa bằng cách sử dụng chức năng Find My iPhone (tìm iPhone của tôi).

Với tính năng này, iPhone trở nên ít giá trị hơn trong con mắt đạo chích nhưng nó cũng để lại nhiều rắc rối. Khóa kích hoạt dẫn đến sự gia tăng của tội phạm công nghệ cao sử dụng các kỹ thuật lừa đảo và chiếm đoạt mật khẩu iCloud của chủ sở hữu để có thể mở khóa điện thoại. Ngoài ra, nó cũng gây khó khăn cho công tác sửa chữa và tái chế iPhone, bởi nhiều chiếc điện thoại dù được thu gom một cách hợp pháp vẫn thường bật iCloud, tính năng khiến iPhone trở thành “cục gạch”.

Activation Lock là một từ phổ biến trong giới sửa chữa điện thoại. Ngày 10/4 vừa qua, the Colorado PIRG Foundation (CoPIRG), một nhóm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đã công bố một báo cáo cho thấy, một công ty tái chế ở bang này đã phải loại bỏ tới 66.000 chiếc iPhone đáng nhẽ đã có thể tái sử dụng dễ dàng trong suốt ba năm qua, chỉ bởi những chiếc điện thoại mà người chủ cũ quyên góp đã bị khóa iCloud.

Mặc dù tính năng Activation lock được tạo ra có mục đích tốt đẹp là nhằm giảm thiểu nguy cơ điện thoại bị trộm ngay từ ban đầu song nó lại dẫn đến việc một số lượng lớn điện thoại được quyên góp tái chế không còn khả năng tái sử dụng, gây ảnh hưởng xấu đế môi trường cũng như ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường thiết bị đã qua sử dụng.

Activation Lock

Thống kê của Wireless Alliance về số lượng thiết bị bị khóa

Từ năm 2015 đến 2018, công ty tái chế Wireless Alliance đã thu thập được khoảng 6 triệu chiếc điện thoại trong các đợt quyên góp trên toàn nước Mỹ. Có khoảng 333.519 chiếc iPhone được đánh giá là có thể “tái sử dụng”, trong đó có tới 33.000 chiếc đã bị khóa iCloud và trở thành phế liệu. Đến năm 2018, 1/4 của những chiếc iPhone “có khả năng tái sử dụng” còn lại cũng đã bị khóa iCloud.

Andy Bates, phó chủ tịch của Wireless Alliance cho biết, măc dù không có số liệu chính xác về lượng thiết bị bị khóa iCloud trên toàn quốc, nhưng họ có thể chắc chắn rằng công ty không phải là đơn vị tái chế duy nhất gặp phải tình trạng này. Bates cho biết Wireless Alliance đã được chứng nhận bởi R2, OHSAS và ISO, những tổ chức chứng nhận hàng đầu về các tiêu chuẩn bảo mật môi trường, an toàn lao động và bảo mật dữ liệu. Dữ liệu tại tất cả các thiết bị họ bán lại đều khẳng định đã được xóa sạch sẽ hoàn toàn. Nhờ mối quan hệ tốt đẹp với các đối tác, công ty có thể quyên góp tài chính cũng như hàng triệu thiết bị cần tái chế mỗi năm thông qua các thùng quyên góp đặt rải rác khắp nước Mỹ.

Allison Conwell, đồng tác giả của báo cáo CoPIRG, cho rằng nhiều người có ý định tốt là tặng lại thiết bị để tái sử dụng nhưng họ lại vô tình vô hiệu hóa chúng. Điện thoại nếu được mở khóa sẽ có khả năng tái sử dụng được ngay lập tức, đúng với mục đích của người quyên góp. Với những chiếc điện thoại đã bị khóa, cách duy nhất chỉ có thể là rã máy lấy linh kiện.

Trong bài viết của mình, Conwell gợi ý Apple nên hợp tác với các công ty tái chế uy tín, đã được chứng nhận, để mở khóa những chiếc điện thoại được quyên góp hợp pháp (Wireless Alliance đã tiến hành một cuộc khảo sát ngẫu nhiên, qua đó cho thấy hơn 90% trong số những chiếc điện thoại bị khóa không hề bị báo cáo là mất hay bị đánh cắp). Do đó, Conwell đưa ra gợi ý rằng, Apple có thể mở khóa những chiếc điện thoại hợp pháp này trong vòng 30 ngày hoặc tiến hành xác nhận với người dùng chính chủ để tiến hành mở khóa.

Apple có khả năng mở khóa điện thoại từ xa, nhưng đến nay vẫn chưa tham gia nhiều vào quá trình tái chế và sửa chữa điện thoại. Nhiều chuyên gia đã bày tỏ sự thất vọng với tính năng Activation Lock của Apple trong suốt nhiều năm qua. Apple không có động thái nào phản hồi yêu cầu hợp tác trong nghiên cứu của CoPIRG. Bates cho biết, mục tiêu chống trộm thật ra hoàn toàn có thể cùng tồn tại song song với hoạt động tái chế bền vững. Tuy nhiên, công ty từng nhiều lần liên hệ với Apple qua nhiều kênh khác nhau nhưng chưa bao giờ nhận được phản hồi.

Vậy nên, nếu có kế hoạch tặng lại iPhone hoặc bán nó, bạn nên xóa tài khoản iCloud của mình (và tự xóa dữ liệu) trước khi gửi đi.

Shirley

Vnreview.vn

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới