Huyện Đức Cơ và Ia Grai là 2 huyện biên giới với nhiều tiềm năng du lịch sinh thái, lòng hồ thuỷ điện, vườn cây ăn trái… kỳ vọng hút khách du lịch, tạo thành các tour tuyến trên bản đồ du lịch cao nguyên.
Tại huyện Ia Grai, UBND huyện vừa tổ chức thành công hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô lần thứ 3 và Liên hoan văn hóa cồng chiêng, thu hút 13.000 lượt khách đến tham quan.
Các sự kiện văn hóa du lịch có sức lan tỏa, thu hút đông đảo khách tham quan, như hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô, tham quan lòng hồ thủy điện Sê San, thác Mơ…
Các công trình thủy điện như: Sê San 4, Sê San 4A, Sê San 3A… không chỉ cung cấp nguồn năng lượng lớn cho đất nước mà còn tạo ra khu vực lòng hồ rộng lớn để đầu tư nuôi trồng thủy sản và phát triển du lịch sinh thái.
Anh Trần Quốc Tạo, du khách tỉnh Lâm Đồng cho biết: “Dòng Sê San từ lâu nổi tiếng với các thuỷ điện lớn nhỏ, không chỉ vậy, cảnh đẹp lòng hồ, núi rừng, phong cảnh thiên nhiên hùng vỹ khiến du khách mê đắm khám phá.
Trên lòng hồ là đời sống văn hoá, ẩm thực của những người dân gốc miền Tây di cư, sống quần cư một góc hồ, thuộc địa phận huyện mới Ia H’Drai. Người dân chế biến các món như bún mắm miền Tây, chả cá, cá khô, cá linh, bông điên điển… phục vụ du khách rất thân thiện”.
Trên địa bàn huyện Ia Grai có các vùng cây ăn quả có diện tích lớn như chôm chôm, sầu riêng, bơ, mít, ổi đã cho thu hoạch, có thể phát triển du lịch trang trại, du khách vừa tham quan, vừa được thưởng thức các sản phẩm trái cây.
Ông Lê Ngọc Quý – Chủ tịch UBND huyện Ia Grai cho biết: “Chính quyền cố gắng xây dựng hoàn thiện hệ thống hạ tầng kết nối, đào tạo con người làm du lịch thân thiện, năng động để phục vụ du khách. Ngoài ra cần đẩy mạnh phát triển các khu công nghiệp, thu hút doanh nghiệp vào đầu tư chế biến sâu, có quy mô các sản phẩm như cà phê, điều, hạt mắc ca…”.
Còn tại huyện Đức Cơ có 35km đường biên tiếp giáp với huyện Oyadav, tỉnh Ratanakiri (Vương quốc Campuchia). Đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây sống xen ghép với nhau ở tất cả các xã, thị trấn nên lưu giữ được những nét văn hóa vật thể và phi vật thể độc đáo như: cồng chiêng, nhà rông văn hóa, tượng nhà mồ, các lễ hội dân gian…
Đức Cơ còn có nhiều điểm đến mang dấu ấn văn hóa, lịch sử để phát triển du lịch sinh thái gắn với văn hóa, ẩm thực của người dân như: Khu di tích lịch sử chiến thắng Chư Ty, di tích chiến thắng Chư Bồ, các khu du lịch sinh thái Suối Đôi (xã Ia Dom), quần thể rừng hương (xã Ia Kriêng), cây đa làng Ghè (xã Ia Dơk) là cây di sản Việt Nam, làng dệt thổ cẩm tại xã Ia Dom…
Tất cả sẽ hình thành nên các điểm đến, tour tuyến du lịch để thu hút du khách, đặc biệt trong các thời điểm Gia Lai tổ chức các sự kiện văn hoá lớn như: Lễ hội cồng chiêng, núi lửa Chư Đang Ya – hoa dã quỳ, lễ hội văn hoá các dân tộc…
Thanh Tuấn
Nguồn: Lao Động