Thứ Bảy, 27 Tháng Tư, 2024
Trang chủCông NghệNhịp sinh học thất thường, thời gian ăn-ngủ không cố định dễ...

Nhịp sinh học thất thường, thời gian ăn-ngủ không cố định dễ dẫn tới ung thư?

Một nghiên cứu đã chỉ ra, tình trạng rối loạn nhịp sinh học có thể thúc đẩy các tế bào ung thư tăng sinh. Đây chắc chắn là một tin xấu đối với những người hay phải làm việc theo ca hay làm vào ban đêm.

Nhóm nghiên cứu kỳ vọng phát hiện mới sẽ giúp cải thiện các phương pháp chữa bệnh ung thư trở nên hiệu quả hơn. Đặc biệt họ sẽ có cơ sở để cụ thể hóa thời gian dùng một số loại thuốc phù hợp với nhịp sinh học của cơ thể.

Chúng ta đều biết rằng, gián đoạn nhịp sinh học cơ thể làm tăng nguy cơ mắc nhiều loại bệnh về đường tiêu hóa, thần kinh hay tim mạch. Những người dễ mắc các chứng bệnh này nhất phải kể đến những người hay làm ca đêm. Họ là những người có tỷ lệ mắc ung thư khá cao. Vào năm 2007, Cơ quan nghiên cứu Ung thư quốc tế (IARC) thậm chí đã coi công việc làm theo ca gây nên tình trạng gián đoạn sinh học là một trong những nguyên nhân gây nên ung thư ở người.

Nghiên cứu mới nhất của Đại học Pennsylvania, Mỹ cũng đem tới góc nhìn chi tiết hơn về cơ chế liên kết giữa gián đoạn nhịp sinh học và bệnh ung thư. Ban đầu nhóm nghiên cứu tiến hành kiểm tra sự thay đổi của các tế bào nuôi cấy bằng cách sử dụng một loại hormon có tên dexamethasone. Hormon này có thể phá vỡ nhịp sinh học của tế bào.

Gián đoạn nhịp sinh học gây ra tác động lớn tới hoạt động gen, đặc biệt là làm kích hoạt protein CDK4/6. Khi các protein này hoạt động quá mức sẽ dẫn đến tăng tỷ lệ phân chia tế bào. Đã có nhiều liệu pháp điều trị ung thư nhắm tới việc ức chế trực tiếp hoạt động của loại protein này.

Nhóm nghiên cứu sau đó cũng tiến hành phân tích một loại thuốc điều trị ung thư vú có tên palbociclib. Thuốc này tấn công trực tiếp vào protein CDK4/6. Tuy nhiên khi đem so sánh trên cả mô hình tế bào của người và chuột cho thấy, hiệu quả của thuốc điều trị ung thư thay đổi khi chúng ta dùng thuốc vào các thời điểm khác nhau trong ngày. Đặc biệt một số loại thuốc đặc biệt hiệu quả khi sử dụng vào buổi sáng.

Một trong những tác giả của nghiên cứu, Yool Lee cho biết: “Phát hiện của chúng tôi chỉ ra rằng, các rối loạn môi trường hoặc sinh lý liên quan đến nhịp sinh học như làm việc theo ca, thời gian ngủ thất thường hoặc căng thẳng tâm lý gây ảnh hưởng đến tốc độ tăng sinh của tế bào ung thư hay phản ứng với thuốc chữa ung thư theo những cách rất khác nhau”.

Lee chia sẻ thêm: “Với những phát hiện trên, rõ ràng việc thiết lập lại đồng hồ sinh học cho cơ thể, bao gồm thời gian tiếp xúc với ánh sáng, thời gian ăn uống, tập thể dục cùng liệu trình hóa trị hợp lý sẽ góp phần điều trị ung thư hiệu quả hơn”.

Việc sử dụng thuốc điều trị ung thư tại một thời điểm nhất định trong ngày không phải là điều quá mới. Tuy nhiên những hiểu biết mới nhất về nhịp sinh học sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn mối liên hệ bệnh ung thư và lối sống của mỗi người.

Nghiên cứu cũng phần nào thúc giục các nhà khoa học sớm tìm ra những liệu pháp giảm thiểu tác động tiêu cực của gián đoạn nhịp sinh học đối với những người có đặc thù công việc làm theo ca.

Amita Sehgal, tác giả chính của nghiên cứu khẳng định: “Nếu hiểu được tác động phân tử của hiện tượng jet lag (cảm giác mệt mỏi sau khi bay một chuyến bay dài đi qua nhiều vĩ tuyến gây xáo trộn nhịp sinh học), làm việc theo ca và nhiều nguyên nhân khác, chúng ta có thể tìm ra được những giải pháp mới giúp giảm thiểu nguy cơ ung thư và có một phác đồ điều trị ung thư hiệu quả hơn.

Nghiên cứu trên đã được đăng tải trên tạp chí PLOS Biology mới đây.

Tiến Thanh

Vnreview.vn

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới