Thứ Sáu, 26 Tháng Tư, 2024
Trang chủTin Gia LaiGia Lai: Khi "vua" truyền thần gác cọ

Gia Lai: Khi “vua” truyền thần gác cọ

Qua thăng trầm lịch sử, diện mạo của Pleiku (tỉnh Gia Lai) luôn có sự đóng góp từ bao bàn tay tài hoa. Tuy vậy, có những nghề đã không trụ lại được trước quy luật nghiệt ngã của cuộc sống.

Tôi gặp họa sĩ Bạch Ngọc (số 58, đường Thống Nhất, TP. Pleiku) để hỏi về nghề vẽ truyền thần. Ông kể: Năm 1961, khi rời Huế lên Pleiku vẽ bảng hiệu quảng cáo thì chưa thấy ai làm truyền thần. Khi đó, tại Pleiku chỉ mới có tiệm vẽ ở đường Phan Bội Châu của ông Dương Kiết Vinh-người truyền nghề cho ông Võ Công Hòa, chủ tiệm vẽ Sống (35 Lê Lợi, TP. Pleiku) sau này.

Sinh năm 1944, ông Nguyễn Quốc Bằng quê ở Huế, hiện cư trú tại số 135 Hùng Vương (TP. Pleiku), nơi hàng chục năm trước được biết đến là Nhà vẽ Quốc Bằng nổi tiếng. Theo lời kể, ông học vẽ sau khi đã hoàn thành chương trình đệ tứ (tương đương lớp 9 ngày nay), ở tuổi 18. Ông theo ông Quốc Long đến Quy Nhơn vẽ vài năm rồi lên An Khê lập nghiệp vào năm 1966. Khi đó, An Khê là nơi đồn trú của vô số lính Mỹ. Để hành nghề, các ông thuê một căn nhà nhỏ trước khu vực trung tâm giải trí của Mỹ.

Ngày đó, vẽ truyền thần có thể sống được vì lính Mỹ rất đông, nhiều người có máy ảnh nhưng nhu cầu vẽ thủ công cao, lại không đòi hỏi cầu kỳ. Lính Mỹ thường ra ngoài trại đi chơi, giặt ủi, mua sắm mỗi tuần một vài lần. Mỗi bức vẽ có giá 7 USD. So với 1 lon Coca hoặc 1 gói thuốc lá giá chỉ 3 xu, giá vàng 50 USD/lượng, mỗi ngày vẽ được 3-4 tranh thì đây là thu nhập khá. Hồi ấy, An Khê có đến dăm sáu tiệm vẽ (bảng hiệu và truyền thần) nhưng tất cả đều đủ việc làm. Thời gian này, các ông Bạch Ngọc, Dương Kiết Vinh và nhiều người khác nữa đều đến đây tạm cư để vẽ.

Năm 1972, ông Bằng rời An Khê lên Pleiku tiếp tục nghề truyền thần của mình. Mỗi ngày, ông nhận được khá nhiều ảnh cưới, ảnh kỷ niệm và nhất là ảnh thờ để vẽ. Ngày đó, giấy gai đặc chủng Roki, Canson của Pháp có thể dễ dàng mua nhiều cuộn (rộng 1 m, dài 10 m) một lúc để vẽ dần. Mực vẽ (thường gọi là xốt/saute) cũng rất sẵn, bên cạnh đồ nghề đơn giản là bút lông, kính lúp và bông gòn, giá vẽ… Sau 1975, công việc của ông Bằng cũng như nhiều tiệm vẽ khác vẫn được duy trì, khách không chỉ ở Pleiku mà còn đến từ các huyện trong tỉnh.

Ông Nguyễn Quốc Bằng và bức chân dung tự họa, năm 1973. Ảnh: Nguyễn Quang Tuệ
Ông Nguyễn Quốc Bằng và bức chân dung tự họa, năm 1973. Ảnh: Nguyễn Quang Tuệ

Ông Bằng chia sẻ, nghề truyền thần đòi hỏi sự nhạy cảm và tính kiên nhẫn. Ở ta, gọi chung truyền thần nhưng chủ yếu vẫn là truyền ảnh. Kiểu người ngồi làm mẫu để vẽ trực tiếp không nhiều, mà phần lớn là nhìn ảnh vẽ lại. Do đó, nếu ảnh mờ hoặc rách nát thì công chắp nối, dựng lại hình của người vẽ rất lớn. Vẽ cho giống đã khó nhưng truyền được thần thái của người trong ảnh sang tranh còn khó hơn nhiều. Khóe miệng, cánh mũi, đôi mắt, lông mày hay một nếp nhăn trên gương mặt nhân vật đôi khi quyết định sự thành công hoặc thất bại của tác phẩm.

Mấy chục năm làm truyền thần, ông Bằng có nhiều kỷ niệm. Theo ông, người Việt chủ yếu truyền thần tranh đen trắng để thờ. Có người cẩn thận, chụp ảnh rồi vẽ trước nhiều năm, lại có trường hợp, khi người thân nằm xuống mới cầm chứng minh thư ra tiệm nhờ vẽ. Không ít khách đưa ra yêu cầu rất khó: Vẽ ông bà hoặc cha mẹ họ mà không có hình mẫu.

Ông Bằng tâm sự: “Mình làm nghề thì phải chiều khách. Hơn nữa, trong hoàn cảnh ấy, trước tấm lòng của họ với người thân, kiểu gì rồi mình cũng vẽ. Ảnh chứng minh thư chụp trước đã vài ba chục năm, nay vẽ cho người mới mất thì phải tưởng tượng mà làm cho gương mặt già đi. Không có ảnh gốc thì yêu cầu khách cho biết nhân vật của mình giống ai trong gia đình rồi phác thảo và vẽ”.

Truyền thần là công việc sáng tạo. So sánh với nhiếp ảnh, ông Bằng cho rằng: Ảnh chụp xong là kết thúc một quá trình, còn vẽ chân dung thì khi ấy mới bắt đầu. Sự gia giảm độ sáng tối, bố cục lại tác phẩm, đặc biệt là nhấn mạnh hoặc làm nhẹ một vài chi tiết trong tranh là tất nhiên. Có nhiều khách thích vẽ tranh thờ, trong đó cha mẹ, ông bà họ mang khăn đóng áo dài, lại có người thích thân nhân mình mang đồ Âu hoặc ngồi bên bàn trà sang trọng, trên tường có đồng hồ Tây…

Sau một đỗi trầm ngâm, ông Bằng nhẹ nhàng kể tiếp: Từ sau năm 1998, khách truyền thần ít dần. Đến tầm năm 2000 thì vắng hẳn. Hết khách là do công nghệ chỉnh sửa, in ấn hình ảnh ngày càng tiện lợi và phổ biến. Trước kia, Tết đến, các gia đình mới có cơ hội chụp hình, giờ thì khác. Ảnh cũ muốn làm hình thờ, chỉ việc scan rồi đưa vào phần mềm photoshop chỉnh sửa, in ra là xong. Nhanh-gọn-rẻ, gần như ai cũng làm được nên truyền thần bị cho “ra rìa” là phải. Từ dạo thất nghiệp, tôi dẹp giá vẽ lại để vợ con có nơi buôn bán. Nhiều lúc cũng nhớ nghề nhưng mình đã gần 80 tuổi rồi!

Chia tay ông Bằng, tôi cứ mãi nghĩ về một lớp người tài hoa. Họ đã mang đến miền đất này những sắc màu riêng. Rồi khi cảm thấy công việc ấy không còn cần đến mình nữa thì lặng lẽ rút lui, nhường chỗ cho cái mới mà không hề ca thán. Nhưng rồi, tôi cũng chợt băn khoăn: Nếu như, nhu cầu truyền thần trở lại thì ai sẽ đảm đương công việc này?

NGUYỄN QUANG TUỆ

Nguồn: Baogialai.com.vn

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới